Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Thu hút đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp: Tăng tốc từ chính sách

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay số lượng trường nghề tư thục chiếm khoảng 30% tổng trường nghề trên cả nước.

Mục tiêu của Tổng cục GDNN đặt ra đến năm 2030, có 45% trường nghề tư thục. Để đạt mục tiêu này, cần tiếp tục triển khai các chính sách thông thoáng, cởi mở hơn để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực GDNN.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội.

                                                                                      Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: CĐCNBK

Đã đủ hấp dẫn các nhà đầu tư?

Nhận định về tiềm năng phát triển của các trường nghề tư thục, PGS. TS Đặng Văn Du - Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, GDNN đến thời điểm này đã đủ sức hấp dẫn với tư nhân, vì vài năm nay người dân rất ý thức về việc lựa chọn nghề nghiệp thiết thực. Tâm lý “sính bằng đại học” đã không còn cao như cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Du cũng cho rằng, đầu tư cho các cơ sở GDNN đòi hỏi nguồn lực đầu vào rất lớn; đặc biệt là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Hai yếu tố “đầu vào” này phải có khả năng định hướng, dẫn dắt được thị trường cung ứng nhân lực thì mới thu hút được người học. Để đạt đến mức đó thì đầu tư cho một cơ sở GDNN phải mất ít nhất từ 5 năm trở lên. Vậy nên, khu vực tư không muốn đầu tư nhiều.

Là người làm về GDNN trong nhiều năm qua, ông Bùi Quang Thịnh - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội nhận định, sau năm 2025, các trường nghề tư thục có thể phát triển bứt phá, nhiều trường có thể vươn lên top đầu, lên hạng trường trọng điểm nếu có chiến lược đầu tư bài bản.

“Hiện nay, phụ huynh và học sinh đã có nhận thức rõ ràng hơn về nghề nghiệp, lựa chọn nghề thiết thực, dễ xin việc chứ không thiên về bằng cấp như thời gian trước. Hơn thế nữa, khi lựa chọn trường nghề, phụ huynh và học sinh sẽ lựa chọn các trường chất lượng chứ không nặng về vấn đề học phí” - ông Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng chia sẻ, hiện nay các trường nghề tư thục vẫn đang rất vất vả với các quy định về đất đai. Theo quy định của Nhà nước về xã hội hóa, các trường được cấp đất sạch để xây dựng trường, tức là đất đã được giải phóng mặt bằng, nhưng hầu hết, các trường phải tự giải phóng mặt bằng, tự đền bù cho người dân.

Ông Thịnh cho biết, trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, nhà trường đã rất vất vả vì nhiều hộ dân không hợp tác. Luật Đất đai coi cơ sở giáo dục tư thục như một doanh nghiệp mà không có chính sách hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng... Việc xây dựng cũng vì thế mà chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà trường.

Cũng theo ông Thịnh, trong quá trình quy hoạch các khu chung cư, đô thị, đều dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, trường phổ thông, nhưng không dành quỹ đất để xây trường nghề, trường đại học, nên nhiều trường muốn xây dựng cũng không được vì phá vỡ quy hoạch.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho biết, các trường tư rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Để vay được vốn, các trường phải có tài sản thế chấp, trong khi các gói hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dành cho trường công lập mà không dành cho trường tư thục. Chính vì thế, nhiều trường tư chưa thể đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, vì những ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ lại thay đổi liên tục.

Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi

Theo ông Thịnh, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện những chính sách thông thoáng, cởi mở để các tổ chức, cá nhân có thể đầu tư vào trường nghề. Chẳng hạn như Nhà nước có thể đứng ra giải phóng mặt bằng cho nhà trường, nhà trường  có thể nộp tiền để Nhà nước đền bù cho dân. 

Ngoài ra, việc đầu tư của ngân sách nhà nước vào các chương trình trọng điểm quốc gia, quốc tế nên tập trung, tránh dàn trải và kèm theo đó là chính sách sử dụng chung nhằm tránh lãng phí nguồn lực, không phân biệt trường công, trường tư.

“Các trường tư mong muốn các trường công cũng phải tự chủ, như thế mới tạo ra sự công bằng, ít nhất là về học phí, cơ bản phải sàn sàn, không có chuyện cũng đào tạo một nghề mà trường công chỉ thu 600 - 700 nghìn đồng, trường tư thu 1,5 triệu đồng, đương nhiên bất lợi cho trường tư” - ông Thịnh nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, cần phải quản lý trường tư, các trường không thể cứ có giấy phép rồi đi thuê trụ sở tạm bợ, mà phải có đủ điều kiện vật chất rồi mới được đào tạo, như thế mới đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, Chính phủ cần hướng dẫn để cụ thể hóa chính sách ưu đãi về giao đất hoặc cho thuê đất; ưu đãi tín dụng cho các cơ sở GDNN, nhà đầu tư chỉ thực hiện đầy đủ các quy định của luật và không có những chi phí tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Đắc Hưng, việc giao đất sạch cho các cơ sở giáo dục rất quan trọng vì nếu để các nhà đầu tư tự giải phóng mặt bằng thì phát sinh rất nhiều tiêu cực, chi phí cao và nhiều trường hợp giao dịch không thành công. Nhà nước có thể tính giá trị của đất sử dụng vào mục đích xây trường học thay vì thu thuế đất, coi đó là nguồn đóng góp của Nhà nước vào tài sản chung của nhà trường để hạch toán và sử dụng lợi nhuận thu được vào việc thực hiện chính sách xã hội. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi tín dụng đối với các cơ sở giáo dục tư thục chứng minh được phương án trả nợ tốt và thực sự hữu ích cho xã hội.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số cơ sở GDNN từ công lập sang tư thục; thí điểm cổ phần hóa một số cơ sở GDNN và cho phép cán bộ, giáo viên đóng góp cổ phần. Các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đều bình đẳng khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực và hưởng các hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

 

Ông Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội cho biết, các trường tư rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Để vay được vốn, các trường phải có tài sản thế chấp, trong khi các gói hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dành cho trường công lập mà không dành cho trường tư thục. Nhiều trường tư chưa thể đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, vì những ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ lại thay đổi liên tục.

 

                                                                                                                                                                                                                      Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn