Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Nhiều chuyển biến về chất lượng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tính trung bình, năm 2019, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp (CĐ, TC) có việc làm ngay đạt trên 80%, có những nghề tại nhiều trường đạt 100%. Sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp đang có biến chuyển tích cực.

Gắn đào tạo với việc làm

Theo thống kê của 63 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, năm 2019 có khoảng 2,2 triệu người học tốt nghiệp các trình độ trong GDNN, trong đó tốt nghiệp CĐ, TC khoảng 496 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là hơn 1,7 triệu người. Đáng chú ý, tính trung bình năm 2019 tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, TC đạt khoảng 80%. Trong số HSSV chưa có việc làm ngay, theo thống kê, phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc chờ tìm kiếm công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn.

Giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường, bởi vậy, nhiều cơ sở GDNN đã chủ động thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác song phương nhà trường - doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.

Trong buổi lễ bế giảng, phát bằng tốt nghiệp cho HSSV của rất nhiều nhà trường luôn có một vài đến hàng chục doanh nghiệp tham dự để thực hiện ký kết hợp đồng tuyển dụng ngay. Nhiều trường cũng đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm, có trường cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, sẵn sàng hoàn trả học phí nếu HSSV không có được việc làm với mức thu nhập thỏa đáng sau khi tốt nghiệp, như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ Nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường CĐ Du lịch Hà Nội, Trường CĐ Nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang...

Tại một số trường có uy tín về chất lượng đào tạo, có quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp CĐ và TC có việc làm ngay ở mức cao, có những nghề tại nhiều trường tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 100%, như: Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng Bắc Ninh, Trường CĐ Kỹ nghệ II, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ Giao thông - Vận tải Trung ương II , Trường CĐ Lý Tự Trọng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức... Đối với số sinh viên tốt nghiệp các chương trình chất lượng cao (nhất là chương trình thí điểm chuyển giao từ Australia), 100% có việc làm ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với vị trí việc làm tốt nên thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp cũng khá cao.

Tăng cường dự báo nhu cầu lao động có kỹ năng nghề

Theo TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Năm 2019, việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn nhận của doanh nghiệp về GDNN đã có những thay đổi thể hiện trong việc hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp, hiệp hội... với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và tại các cơ sở GDNN. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp tích cực hơn trong tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động nói trên bước đầu đã tạo nên chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm, với thị trường lao động.

Kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương trên cả nước cho thấy, những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung ở các lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật cơ khí, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, có một số ngành, nghề còn khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được, dù thị trường có nhu cầu, đặc biệt là những ngành học, nghề học thuộc các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Sản xuất vật liệu xây dựng, luyện thép, luyện gang, công nghệ kỹ thuật mỏ, công nghệ kỹ thuật hóa chất...

Ông Nguyễn Đăng Toàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương Phú Thọ chia sẻ: “Đại diện Công ty Giấy sông Lam Nghệ An cho biết gần 20 năm nay không tuyển được lao động được đào tạo từ ngành giấy. Trong khi đó, CĐ Công thương Phú Thọ là trường duy nhất đào tạo của ngành giấy phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra), nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành như thế nào, chúng tôi không nắm được. Những năm vừa qua, mỗi năm trường đào tạo được 90 sinh viên tốt nghiệp, trong khi ngành giấy có 300 doanh nghiệp. Chúng tôi cũng nhận thấy được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, triển khai nhiều giải pháp nhưng thu hút lao động vào ngành giấy khó khăn”. Với ngành giấy, một năm tăng trưởng khoảng 16%/năm, đóng góp lớn cho nền kinh tế của đất nước. Nhưng nhân lực của ngành giấy vừa thiếu vừa yếu, nhân lực trình độ cao chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp địa phương, hộ tư nhân, cá thể, làng nghề, lao động hầu như không được đào tạo. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển của ngành.

Còn theo ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ninh: Tỉnh có thế mạnh trong kinh tế biển và dịch vụ cảng biển, nhu cầu có, nhưng thu hút học sinh ngày càng khó khăn... Tỉnh cũng đang nghiên cứu chính sách thu hút người học vào các ngành này để áp dụng trong thời gian tới.

Một số cơ sở đào tạo đề xuất, Nhà nước cần lập danh sách nghề có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh, có chính sách hỗ trợ đào tạo những nghề này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, phát triển ứng dụng kết nối cung cầu lao động; thu thập dữ liệu về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tăng cường xây dựng dữ liệu mở và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm, và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; đẩy mạnh truyền thông về GDNN giúp các học sinh có đủ thông tin, từ đó lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với bản thân, gia đình và xã hội.

Nguồn: daibieunhandan.vn