Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Nâng cấp trình độ dạy nghề để người lao động đáp ứng thị trường

Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Lào Cai về tình hình dạy nghề cho lao động nông thôn, hướng tới chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập người lao động:

PV: Xin ông cho biết đặc thù và thực trạng đào tạo, dạy nghề tại tỉnh Lào Cai?

Ông Đinh Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Lào Cai: Lào Cai là một tỉnh miền núi với đặc thù đồng bào dân tộc chiếm tới 66%. Gần 80% là người sống ở vùng nông thôn, trong đó 65% sống bằng nông nghiệp. Và khu vực này cũng rất khó khăn, nghèo đói nhiều. Nguyên nhân là do việc làm không ổn định và khoa đào tạo nghề chưa được nhiều.

Do đó, chủ trương của tỉnh sẽ tập trung vào việc cung cấp đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động khu vực nông thôn và nông nghiệp. Chuyển lực lượng lao động này sang lĩnh vực phi nông nghiệp và có mức thu nhập cao hơn, có công việc ổn định hơn, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

- Là một tỉnh miền núi với nhiều lợi thế, tiềm năng, tỉnh định hướng đào tạo nghề ra sao để khai thác tốt lợi thế đó?

Chúng tôi cũng xác định, Lào Cao hiện tại đang rất cần lực lượng lao động gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc ngành nghề liên quan đến sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với phi nông nghiệp, chúng tôi sẽ đào tạo cho lực lượng lao động sẽ chuyển dịch sang để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp. Tỉnh có ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản… Một lĩnh vực khác hiện nay cũng đang rất được quan tâm đó là dịch vụ và du lịch, cần nguồn nhân lực được đào tạo lớn để cung ứng đủ nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn.

Nâng cấp trình độ dạy nghề để người lao động đáp ứng thị trường - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Đinh Văn Thơ - Phó giám đốc Sở LĐ - TB&XH Lào Cai (Ảnh: Lệ Thu).

Lào Cai định hướng sẽ tập trung đào tạo để người lao động có văn bằng, chứng chỉ, dần hạn chế việc đào tạo qua hình thức sơ cấp. Người lao động phải có kỹ năng, văn bằng chứng chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

- Trong đào tạo lao động có văn bằng chứng chỉ, nếu xét về đào tạo chuyên sâu về công nghệ cao để giúp đồng bào lao động nông thôn ở vùng cao từ không có kỹ năng thành lao động có kỹ năng chất lượng thì chương trình đào tạo phải "chuyên sâu" mức nào? Đơn vị nào thực hiện?

Đối với đào tạo chuyên sâu, chúng tôi cũng phải phân loại các đối tượng lao động. Có những lao động chỉ cần ở mức độ chuyên môn vừa phải thôi phục vụ nhu cầu công ăn việc làm tại chỗ thì chúng tôi có chương trình đào tạo riêng để phục vụ đối tượng này. Còn cách tập trung nhất của chúng tôi hiện nay là chuyển dịch lực lượng lao động sang tượng phi nông nghiệp.

Tỉnh Lào Cai đặt trọng điểm kinh tế về công nghiệp, xây dựng, thương mại. Chúng tôi đã có các chương trình đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu về các lĩnh vực mà tỉnh đang cần. Ví dụ như Trường Cao đẳng Lào Cai đã có 7 nghề được Chính phủ phê duyệt là những chương trình trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Hiện nay tỉnh đang tập trung liên kết với các trường, các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh đã rất có kinh nghiệm.

Chẳng hạn, về mảng du lịch chúng tôi hợp tác với trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, ngôi trường rất có tiếng về đào tạo trong lĩnh vực du lịch và khách sạn; hay trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội… để tập trung vào những ngành nghề mà tỉnh đang cần.

03:55

Lào Cai đào tạo nghề, định hướng chuyển dịch lực lượng lao động.

Chúng tôi hy vọng rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên kết với các chương trình ngoài tỉnh sẽ đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, cũng như đáp ứng được nhu cầu người lao động, họ tự học xong tự tìm kiếm được việc làm. Có thể làm ở các tỉnh trong nước và dẫn tới xuất khẩu lao động.

Thêm nữa, về dạy nghề nông thôn, trong thời gian vừa qua chúng ta vẫn chủ yếu trang bị cho họ những kiến thức hết sức cơ bản để có thể họ tự tìm kiếm được việc làm tại chỗ, hoặc có thu nhập tạm thời qua mùa vụ. Nhưng trong giai đoạn tới, chúng ta cũng cần có một sự chuyển đổi.

- Cụ thể, theo ông chuyển đổi phải tính như thế nào?

Đó là phát triển đội ngũ, lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Và muốn chuyển đổi được bắt buộc chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực, bắt buộc nhân lực phải có văn bằng chứng chỉ. Nếu như trước đây chúng ta đào tạo có trình độ sơ cấp thì bây giờ phải chuyển sang trình độ cao hơn, ít nhất là trung cấp và cao đẳng.

Nâng cấp trình độ dạy nghề để người lao động đáp ứng thị trường - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Lào Cai đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện chuyển sang lao động sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Tôi nghĩ như vậy người lao động mới có được những kỹ năng nghề, ý thức kỷ luật và sự tự tin khi làm việc trong môi trường công nghiệp. Khi đáp ứng được hai yếu tố đó thì người lao động mới gắn bó được nhiều hơn với một lĩnh vực mà trước đây họ rất xa lạ vì vốn chỉ quen với đồng ruộng, với những ngôi nhà và bản sắc của họ vốn đã rất bền chặt.

Tôi nghĩ rằng, với các chất đào tạo như vậy sẽ giúp cho người dân và người lao động nông thôn sẽ ngày càng tìm kiếm được các cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn.

- Như vậy, dạy nghề tại chỗ có còn được tỉnh Lào Cai triển khai không?

Dạy nghề tại chỗ thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bởi vì chúng ta vẫn còn một lực lượng sẽ gắn bó với đồng ruộng, mảnh đất quê hương của họ. Việc đào tạo, chắc chắn chúng ta cũng phải có sự chuyển đổi. Trước đây chúng ta đã có chuyển đổi rồi và chúng ta cũng đã tổ chức các lớp học. Về mặt lý thuyết, chúng ta sẽ tổ chức học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề), còn phần thực hành chúng ta sẽ tổ chức tại chỗ (ví dụ như trên đồng ruộng hoặc trên các nông trường trang trại…).

Tôi nghĩ sắp tới, chúng ta phải đi theo hướng đổi mới linh hoạt hơn là việc chúng ta sẽ tổ chức nhiều hơn ở những nơi sản xuất. Việc lý thuyết của chúng ta sẽ ít hơn và tăng cường việc thực hành, giảng viên chúng tôi cũng hướng tới sẽ thuê những người làm kinh tế giỏi, những chuyên gia trong các lĩnh vực, trong các cộng đồng của họ.

Ngoài ra, chúng ta phải hình thành các mô hình, các dự án để cho người làm kinh tế giỏi cùng làm, cùng giúp đỡ người nghèo. Qua đó, giúp người nghèo học tập kinh nghiệm làm ăn và tư duy về phát triển kinh tế.

Xin trân trọng cám ơn ông!