Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Trường nghề lên phương án dạy online trong thời gian giãn cách

Nhớ về trải nghiệm học online trong những tháng cuối năm lớp 9 vừa qua, em Minh Khánh chia sẻ thật lòng: "Học online rất khó hiểu, nó không như học trực tiếp trên lớp, dễ dàng theo dõi và có thể hỏi thầy cô khi có gì thắc mắc".

Lo ngại đó không phải là cá biệt của Minh Khánh mà rất nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THCS chọn theo hệ đào tạo 9+ (học sinh tốt nghiệp THCS theo học hệ Cao đẳng) tại TPHCM có nỗi lo này.

Trong buổi tư vấn tâm lý trực tuyến dành cho hơn 100 học viên mới sắp nhập học tại trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, nhiều học viên cho biết lo lắng lớn nhất của các em lúc này là dịch không đi học được, học online không tiếp thu được…

Trường nghề lên phương án dạy online trong thời gian giãn cách - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều học sinh lo học online khó tiếp thu hơn học trực tiếp tại lớp (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Tại TPHCM, ngay từ tháng 5, các trường nghề đã chuyển việc dạy học sang hình thức online, chuẩn bị các thiết bị thực tế ảo và ghi hình các bài giảng nhằm phục vụ việc học trực tuyến, kể cả các môn cần yêu cầu kỹ thuật thực hành cao.

Như tại trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II, với một số môn kỹ thuật khó tiếp cận bằng cách học online, trường chuẩn bị nhiều phương án bổ sung.

Như môn hàn điện, nhà trường đầu tư thiết bị máy hàn ảo, khi sử dụng thiết bị đó trên máy tính thì nó mô phỏng gần như 85% - 90% cách hàn thực tế.

Giảng viên còn quay các clip minh họa sinh viên thực hành trực tiếp tại trường để khi đưa vào giáo trình dạy trực tuyến thì sinh viên có thể nắm được động tác cơ bản, không có nhiều khoảng cách so với thực tế.

Tuy nhiên, theo các trường nghề thì việc học online không chỉ khó ở giáo trình trực tuyến, khó ở phần hướng dẫn thực hành mà còn đang gặp phải trở ngại từ chính tâm lý tiếp thu của học viên.

Rất nhiều trường đã đầu tư nhiều chi phí cho các giáo án trực tuyến, còn phải tổ chức các buổi tư vấn tâm lý cho học viên để hướng dẫn cách học, chuẩn bị tinh thần cho các em làm quen với mô hình học tập mới.

Như trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn phải tổ chức liên tục 1 tuần lễ định hướng cho sinh viên mới vào cuối tháng 7. Không chỉ cho các em tìm hiểu trường mà còn làm quen với cách học mới, hướng dẫn các em sự thay đổi môi trường học tập.

Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, điều quan trọng nhất của việc học online là các em học sinh phải tự thay đổi, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận hình thức học tập mới mẻ, chủ động thích nghi thì mới học tập tốt được.

Trao đổi cùng các tân sinh viên Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, tiến sĩ Tô Nhi A hướng dẫn các em cần thay đổi tâm lý từ một học sinh tiếp thu thụ động sang một sinh viên chủ động tìm hiểu kiến thức, ngành nghề mà mình theo đuổi để xây dựng sự nghiệp sau này.

Tiến sĩ cho rằng: "Các em có hạnh phúc, thành công hay không, quan trọng là dựa vào sự chủ động của chúng ta! Nỗi lo thất nghiệp nó không còn xa với các em đâu. Nó chỉ cách các em vài năm học hành trên học đường này thôi".

Các em cần xác định bây giờ mình vào trường cao đẳng học không phải là để lấy điểm. Đây là cơ hội nghề nghiệp của mình, là thời gian chuẩn bị kiến thức để sau này ra đời làm việc chứ không phải hơn nhau điểm số.

Do đó, bà Tô Nhi A khuyên các em học viên cần bỏ qua tâm lý học online là nhàm chán, khó tiếp thu, khó theo dõi… Mà cần thay vào tâm lý chủ động học hỏi, hỏi ngay những điều mình khó hiểu, chưa biết để nắm vững kỹ năng giúp các em làm việc sau này.

Tiến sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh: "Có thể là các em chưa từng hình dung được là có một ngày mình phải học bằng cách này. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải thích nghi. Ai thích nghi tốt thì sẽ thành công. Ai không có năng lực thích nghi thì sẽ cảm thấy khó chịu, rồi ảnh hưởng tâm lý và thái độ học tập".

Tùng Nguyên