Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Ép con vào đại học: 18 tuổi chán nản học theo giấc mơ của cha mẹ

"Cũng chỉ vì muốn tốt cho con…"

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, nhận thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình nhiều khó khăn, năng lực bản thân không đủ để theo đại học, em Đỗ Văn Nam (18 tuổi, Hải Phòng) muốn theo học nghề sửa chữa điện lạnh. Tuy nhiên, bố mẹ muốn Nam phải đi theo "con đường duy nhất".

"Đắn đo suy nghĩ mãi, em mới quyết định tâm sự ý định theo học nghề với phụ huynh. Trái với tưởng tượng của em, bố mẹ phản ứng vô cùng dữ dội. Cả hai đều cho rằng em bắt buộc phải vào đại học, bởi dù trường to hay nhỏ, trường hạng cao hay tầm trung, cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn học nghề".

Đạt được 21 điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mới đây, Đỗ Văn Nam đã trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - theo đúng nguyện vọng và ước muốn của bố mẹ em. "Sau khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, em sẽ "khăn gói" lên Hà Nội học đại học. Trở thành sinh viên, nhưng em không thấy vui vì còn quá nhiều tiếc nuối", Nam tâm sự.

Có con gái hiện là sinh viên năm 2, phụ huynh Đỗ Ngọc Hà (Hải Dương) kể lại, hai năm trước, với học lực ổn, cộng với điều kiện khá giả, cả gia đình ai cũng mong muốn con sẽ đỗ đại học. Tuy nhiên, học kỳ cuối năm lớp 12, thay vì học lên, con lại bày tỏ nguyện vọng đi làm luôn để kiếm thu nhập. Nghe con tâm sự, vợ chồng chị Hà đã kịch liệt phản đối.

"Tôi cho rằng khi ấy con vẫn chưa thực sự đủ chín chắn, kinh nghiệm để đưa ra hướng đi phù hợp cho bản thân. Trong khi đó, chuyện đi làm hay đi học là việc của cả cuộc đời, tôi không thể để con tự ý quyết. Vì vậy, vợ chồng tôi có làm "công tác tư tưởng", cộng thêm những lời đe nẹt để con thay đổi suy nghĩ, phấn đấu lên đại học cho bằng bạn bằng bè. Thương thì thương thật, nhưng cũng chỉ muốn tốt cho con mà thôi.

Theo chị Hà, thời buổi này, có học vẫn có hơn. Đặc biệt, đối với con gái, việc có được tấm bằng, mang danh học thức sẽ được nhiều người coi trọng. Sau này, lấy được tấm chồng tử tế, công việc ổn định là cả cuộc đời sẽ toại nguyện, êm ấm.

"Không thể cứ mãi sống thuê, sống mướn"

Tư duy "đại học là cánh cửa duy nhất", có bằng đại học để ổn định cuộc sống, tương lai là suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, chị Đỗ Thị Duyên (26 tuổi) cho hay, thời đại này, khó có công việc nào gọi là ổn định khi sự cạnh tranh, đào thải rất lớn.

Đỗ Thị Duyên kể, hoàn thành chương trình lớp 12, chị vẫn không định hình được ước mơ, sở trường của mình là gì. Nghe theo phụ huynh, chị Duyên "đánh liều" thi đại học, đăng ký chuyên ngành Kế toán. Sau gần 4 năm học, cầm tấm bằng cử nhân trên tay, Đỗ Thị Duyên vẫn không thể tìm cho mình một công việc như ý.

"Kế toán là một ngành nghề đã có quá nhiều nhân lực, thậm chí có thể gọi là thừa. Ngày ấy cứ lao theo số đông, học theo ý của bố mẹ mà chẳng thèm tính toán đến thời cuộc. Tôi cũng có xin được việc đúng chuyên ngành, nhưng mức lương nhận lại quá thấp, không xứng với công sức bỏ ra".

Sau 3 năm bươn chải, chật vật tìm kiếm việc làm, chị Duyên đã quyết định từ bỏ công việc kế toán, về quê xây dựng mái ấm trở thành… cô nuôi dạy trẻ tại một trường mầm non gần nhà.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Tuệ M. từng ước mơ trở thành một phóng viên, nhưng bố mẹ lại ép theo học ngành Dược.

"Mẹ tôi nói, phóng viên là một công việc vất vả, nhiều hiểm nguy. Bà yêu cầu tôi ngừng mơ mộng, phải vào đại học Dược, trở thành y sĩ để cuộc sống được ổn định, giàu có", M. chia sẻ.

Tuy nhiên, áp lực ở trường Dược khiến Tuệ M. không trụ nổi, phải từ bỏ sau 1 năm theo học. "Gap year" 1 năm, cô gái trẻ này đã giấu bố mẹ, đăng ký dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền để có thể sống đúng với đam mê.

"Học Dược, tôi như một bà cụ non, lúc nào cũng thấy mệt mỏi và rệu rã. Nhưng thời điểm bỏ lại giấc mơ y sĩ, quyết định theo học tại trường Báo, tôi tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng tích cực. Tôi nhận ra rằng, chọn nghề theo đam mê mới cần thiết và bền vững. Tôi phải sống trọn vẹn cuộc sống của mình, không thể cứ mãi sống thuê, sống mướn".

Đừng biến con thành "tấm huy chương"

Là giáo viên phổ thông, cô Phạm Thị Nga (trường THPT Nguyễn Khuyến) gặp nhiều trường hợp học sinh thích học nghề hay đi làm luôn sau khi kết thúc chương trình lớp 12, tuy nhiên do gia đình ép buộc nên phải thi đại học. Điều này đi ngược xu thế phát triển con người theo năng lực cá nhân.

"Một mùa tuyển sinh nữa, sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ lại một lần nữa xuất hiện trong không ít gia đình. Ở tuổi 18, với mong muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, nhiều học sinh đã tự tìm lối đi riêng cho bản thân. Còn phụ huynh, với kinh nghiệm, tầm nhìn xa hơn và một chút tư duy truyền thống, thường muốn con cái lựa chọn một con đường an toàn và được nhiều người công nhận.

Tuy nhiên, việc áp đặt tư tưởng đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhiều bạn vì miễn cưỡng học theo giấc mơ của cha mẹ nên đã sinh ra cảm giác chán nản, hụt hẫng; mãi "chôn mình" trong vùng đất an toàn, không thể tự bước ra để chọn một con đường phù hợp với sở thích bản thân và xu thế thời đại.

Điều đó đang góp phần gây ra thực trạng hàng trăm, hàng ngàn sinh viên bị cảnh cáo do nghỉ học quá nhiều; thậm chí đuổi học mỗi năm; hay ra trường làm trái ngành; giấu bằng cử nhân đi xin việc… Điều này cần được nhìn nhận như một vấn đề lớn bởi nó gây ra sự lãng phí về tiền bạc và thời gian".

Đứng trước thực trạng này, thầy Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) cho hay, cha mẹ nên dần "buông" để con tự quyết định hướng nghiệp.

"Chẳng phải trước kia, nhờ cái buông tay của cha mẹ, con mới biết bò, rồi tự đi bằng chính đôi chân. Nhờ cha mẹ buông tay, con mới được đến trường để hòa mình cùng thầy cô, bạn bè. Do đó, đến ngưỡng cửa hướng nghiệp cũng là lúc phụ huynh cần buông đôi tay ấy một lần nữa để con có thể tự tin trưởng thành.

Người lớn sẽ vui nếu con mình học trường danh tiếng, theo một nghề mà ta cho rằng "việc nhẹ, lương cao". Nhưng hạnh phúc của bọn trẻ đôi khi chỉ đơn giản là được học, được làm những gì chúng muốn".

Theo thầy Hiếu, hiện nay, đại học không phải là cánh cửa duy nhất. Có rất nhiều con đường khác nhau để trưởng thành và lập nghiệp. Do đó, thay vì ép buộc, cha mẹ nên lắng nghe và tôn trọng sở thích, ý muốn của các con.

Tuy nhiên, "buông tay" không đồng nghĩa với việc phụ huynh bỏ mặc con trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Khi con chọn ngành nghề, lối đi; cha mẹ cần phân tích để con thấy rõ ưu nhược điểm, nhắc nhở con về sự tử tế và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.

"Trong hành trình hướng nghiệp, đứa con cần nhất sự tin tưởng và ủng hộ từ phía cha mẹ. Đừng biến con thành tấm huy chương để cha mẹ cài trên ngực áo. Hãy để các con được sống, học tập và làm việc theo đam mê" - Thầy Hiếu nhấn mạnh.

Kiều Phương