Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Quảng Trị cần chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 4.193 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng gần 53.000 lao động. Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, kinh doanh hàng hóa, vận tải, giáo dục, xây dựng… Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp khác phải thu hẹp phạm vi hoạt động. Từ đầu năm đến nay có 315 doanh nghiệp báo cáo tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm của hơn 2.200 lao động; có 31 doanh nghiệp, đơn vị đề nghị hỗ trợ cho lao động phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, với 503 lao động.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có hơn 17.000 người Quảng Trị trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Số lao động trở về quê cùng với lao động phải chấm dứt HĐLĐ ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra tình trạng người lao động trong một số ngành nghề không có việc làm, gây áp lực cho công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, do các doanh nghiệp tại Quảng Trị đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương, nhu cầu sử dụng lao động không lớn. Qua khảo sát, hiện nay chỉ có 4 công ty may mặc và các công ty khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.250 lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.560 lao động.

Theo ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch huyện Hải Lăng, đến nay số lượng con em địa phương đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước trở về địa phương là 9.026 người, trong đó có 6.827 người trong độ tuổi lao động. Nhằm hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm, trình độ tay nghề của người lao động trở về. Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng trực tiếp đến các doanh nghiệp trên địa bàn để khảo sát nhu cầu tuyển dụng và vận động tiếp nhận số lao động nói trên. Tuy nhiên, theo ông Tá, do Hải Lăng vẫn là địa phương chủ yếu về kinh tế nông nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ, nhu cầu lao động ít. Đến nay, chỉ mới có có 2 doanh nghiệp tuyển dụng 300 lao động nghề may; có 320 lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị

Người lao động đến giao dịch tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị

Trao đổi tại buổi làm việc với Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trở về từ các tỉnh, thành do ảnh hưởng của dịch bệnh. Song, do địa phương còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nên số lượng lao động được tạo việc làm tại chính quê hương chưa nhiều.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị đã kết nối tư vấn qua hệ thống tin nhắn và điện thoại trực tiếp cho 534 lao động. Qua phản hồi của người lao động thì có khoảng 90% lao động có nguyện vọng quay trở lại công ty cũ làm việc; có 35 trong 534 lao động được giới thiệu việc làm mới và đã kết nối thành công 20 lao động vào làm việc cho các công ty gỗ, may mặc. Trung tâm Dịch vụ việc làm đang tiếp tục khảo sát, nắm thông tin cung cầu lao động để kết nối việc làm cho người lao động.

Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các Sở, Ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu các giải pháp để tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển kế sinh nhai cho người lao động, nhằm ổn định cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 20 lao động của các địa phương đăng ký được hỗ trợ đào tạo nghề với 13 ngành nghề khác nhau.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ cho người lao động quay trở lại các tỉnh, thành phố phía Nam để làm việc, như: chính sách hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại, chi phí thuê nhà ở, chi phí xét nghiệm Covid-19, ưu tiên cho người lao động được tiêm vaccine đầy đủ. Mong muốn Bộ quan tâm hỗ trợ tỉnh trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề để giải quyết khó khăn cho hiện tại và đón đầu trong tương lai.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDND (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, vấn đề đào tạo nghề nghiệp để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động là rất quan trọng hiện nay.

Lấy số liệu dẫn chứng cụ thể từ huyện Hải Lăng, địa phương nằm trong vùng lõi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với 11 dự án vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng số vốn 73.000 tỷ đồng, cùng 3 cụm công nghiệp thu hút 17 dự án vào đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương này thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước (đạt 61%), nhưng số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ lại cao hơn một nửa (đạt 40,2%). Theo ông Khánh, đây là sự mất cân bằng và nếu lao động không được đào tạo nghề, nâng cao tay nghề thì thực trạng lao động bỏ về quê, thất nghiệp có nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra trong tình huống bất khả kháng như đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.

Cũng qua số liệu, ông Khánh đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Trị so với nhiều địa phương còn rất thiếu và yếu. “Tôi nói ở đây không phải để phê bình hay chỉ trích mà để chúng ta cùng nhìn vào thực trạng, qua đó tìm ra giải pháp khắc phục. Quảng Trị cần có các kế hoạch căn cơ, bài bản, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp”, ông Khánh đề nghị.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị

Phát biểu trong buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị Quảng Trị rà soát, tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề, tạo nên sự đột phá về nguồn nhân lực, bảo đảm nguồn cung lao động chất lượng cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Theo Thứ trưởng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong điều kiện đang còn khó khăn hiện nay, Quảng Trị cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế không chỉ cho địa phương mà cho cả nước.     

THẢO VI