Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Trường Cao đẳng cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh phúc): Sẵn sàng cho ngày hội lớn

Nhà giáo ưu tú Phạm Tố Như, Phó hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, ngay khi có chủ trương về Hội giảng, nhà trường đã triển khai các công việc liên quan. Theo đó, có 4 thầy cô sẽ tham gia ở 4 nghề khác nhau, gồm Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Điện, Điện tử.

Quá trình chuẩn bị cho Hội giảng, Nhà trường có nhiều điểm thuận lợi như: Sự nhiệt tình, tận tâm của các thầy cô giáo tham gia hội giảng; sự hỗ trợ tận tình của Hội đồng sư phạm Nhà trường, của các đồng nghiệp nhất là các giáo viên trong khoa – nơi các thầy cô công tác. Lãnh đạo Nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa cả về cơ sở vật chất, thời gian để các thầy cô tập luyện nhằm đạt kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, Nhà trường có bề dày và thành tích trong các cuộc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đến thời điểm này, Nhà trường có 6 thầy cô đạt giải Nhất Hội giảng cấp toàn quốc và rất nhiều giải cao ở cấp bộ, ngành, địa phương.

Thầy giáo Dương Mạnh Hà (bên phải), Khoa Công nghệ ô tô cùng các học trò luyện tập tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2021

Ảnh: Thái Bình

Luyện tập phần dự thi nghề Điện của thầy trò Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp

Tuy nhiên, nhà giáo Phạm Tố Như cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức Hội giảng theo hình thức trực tuyến nên Nhà trường không tránh khỏi bỡ ngỡ và có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là sự tương tác giữa người giảng và người nghe. Khi truyền tải bài giảng, người nghe hay là Ban giám khảo sẽ rất khó đánh hết được chất lượng bài giảng, cũng như tinh thần bài giảng mà các thầy cô muốn truyền tải, đặc biệt là về tác phong và các phương pháp sư phạm của người dự thi. Khi giảng trực tuyến, thầy cô hay các cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, không thể chủ động các phần truyền tải về âm thanh, hình ảnh, nhất là đường truyền vì phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của Internet. Mặt khác Hội giảng trực tuyến và bài giảng soạn theo trực tuyến sẽ được thiết kế khác nhau. “Và chắc chắn, có những việc phải qua lần thi này mới rút được kinh nghiệm. Như vậy, ngoài kịch bản để các thầy cô giảng dạy thì chúng tôi phải xây dựng thêm một kịch bản về âm thanh, hình ảnh…” - nhà giáo Phạm Tố Như nói.

Luyện tập phần dự thi nghề Điện của thầy trò Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp

Lần đầu tiên tham gia Hội giảng cấp Quốc gia, thầy Dương Mạnh Hà, dự thi nghề Công nghệ ô tô cho biết, đến thời điểm này mọi công đoạn về cơ sở vật chất, chuyên môn, kỹ năng trình giảng… đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. “Tuy nhiên, tôi nghĩ bất cứ ai, kể cả tôi đều hồi hộp và có chút áp lực khi tham gia Hội giảng. Đơn giản, cuộc thi không còn là của cá nhân nữa, nó mang màu cờ sắc áo của Khoa, của Trường, và vì thế tôi chỉ biết luyện tập, luyện tập và luyện tập để giải tỏa áp lực và không phụ sự hỗ trợ của lãnh đạo Nhà trường cũng như các đồng nghiệp. Tôi đã sẵn sàng ra trận bất cứ lúc nào” – thầy Dương Mạnh Hà chia sẻ.

Bình Nhi