Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Mắt xích quan trọng đưa kỹ năng đến học viên

Năng lực chưa đồng đều

Kết quả khảo sát năng lực dạy học trực tuyến trên nền tảng Moodle (bộ mã nguồn mở PHP được phát triển riêng cho các hoạt động quản lý đào tạo học tập trực tuyến) của 100 nhà giáo GDNN cho thấy, việc dạy học trực tuyến hiện nay chỉ đơn thuần là một bài giảng tích hợp; được nhà giáo thiết kế và cấu trúc trên hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) của Tổng cục GDNN. Nhiều chuyên gia đánh giá, hầu hết các thành tố năng lực về dạy học trực tuyến của các thầy, cô tham gia khảo sát đều đạt ở mức trung bình và yếu.

Theo PGS.TS. Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay về dạy học trực tuyến của hệ thống GDNN. Phần lớn cơ sở GDNN tiếp cận dạy học trực tuyến chậm và lúng túng, dẫn đến việc hiểu chưa đúng về dạy học trực tuyến. Ông Hồng cho rằng, các nhà giáo chưa chủ động khi tiếp cận hình thức dạy học này. Trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà giáo chủ yếu sử dụng hình thức dạy học từ xa qua Zoom, Google Meeting…, chưa thiết kế và cấu trúc khóa học trên hệ thống quản lý học tập LMS. Điều này dẫn đến cơ sở GDNN và nhà giáo chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng phát triển năng lực dạy học trực tuyến.

Đồng quan điểm này, TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN cũng cho rằng, về phương pháp dạy và học, căn bản các nhà giáo vẫn theo phương pháp truyền thống, nghĩa là thầy giảng, trò nghe và ghi chép. Mặc dù việc sử dụng các thiết bị và phần mềm trình chiếu để trình bày bài giảng đã rất phổ biến nhưng nội dung và phương pháp sư phạm chưa có nhiều đổi mới. Đặc điểm tiêu biểu của phương pháp dạy và học ở các cơ sở GDNN đã khảo sát là việc dạy và học thực hiện ngay tại xưởng thực hành. Về lý thuyết, nhiều thầy, cô viết vẽ trực tiếp lên bảng hoặc dùng slides. Rất ít thầy, cô dùng các loại học liệu số khác như video, software…

“Chính những hạn chế về năng lực làm chủ công nghệ mới (các công cụ số, nền tảng số) của giáo viên đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai hoạt động giảng dạy online, phương pháp sư phạm số” - TS. Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Khảo sát thực địa ở tất cả các cơ sở GDNN cho thấy, 90% nhà giáo tham gia khảo sát trả lời đã được tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc tuyên truyền chỉ mang tính định hướng, nhà giáo chưa được đào tạo chính thức về chuyển đổi số và phương pháp sư phạm trong môi trường số. Số lượng nhà giáo được đào tạo và tham gia giảng dạy E-learning còn ít, chỉ chiếm 26%.

Cần tầm nhìn chiến lược

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả trong giảng dạy trực tuyến, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, các cơ sở GDNN xác định việc rà soát, thay đổi, cải tiến nội dung đào tạo là quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở GDNN chưa đưa việc này thành một nhiệm vụ, như một mục tiêu và chưa có “tầm nhìn chiến lược” về những thay đổi của môi trường số cũng như ảnh hưởng của nó đến nội dung đào tạo.

Cụ thể, nội dung đào tạo hiện tại vẫn mang tính chất truyền thống và chưa có hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo. Thêm vào đó, hầu hết các cơ sở GDNN được khảo sát đều chưa có kết nối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, các hiệp hội nghề nghiệp về công nghệ thông tin. Do thiếu sự kết nối với các ngành công nghiệp số cả ở mức cơ sở cũng như trung ương nên cơ cấu các ngành, tên ngành, nội dung, chương trình đào tạo, quy mô, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, khó đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số chung của nền kinh tế.

Trước thực tế này, PGS.TS. Bùi Văn Hồng cho rằng, muốn lấp đầy những thiếu sót trong công tác dạy học trực tuyến, Tổng Cục GDNN cần xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học trực tuyến. Hay nói cách khác, cần phải nhanh chóng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia vào những khóa học trực tuyến như giao tiếp qua trung gian máy tính và tham gia mô hình trường học ảo, mô hình cộng đồng học tập trực tuyến. Chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học trực tuyến cho nhà giáo GDNN phải được chú trọng vào 3 module: Năng lực khai thác nền tảng dạy học trực tuyến; năng lực thiết kế và tổ chức đào tạo trực tuyến; đánh giá kết quả học tập trong đào tạo trực tuyến. Đồng thời, các cơ sở GDNN cần tăng cường giới thiệu, chia sẻ các khóa học trực tuyến giữa các cơ sở GDNN và nhà giáo với nhau. Qua đó, nhà giáo học tập lẫn nhau để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến.

Chia sẻ thêm về giải pháp nâng cao kỹ năng dạy học trực tuyến, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, tới đây, Tổng cục GDNN sẽ phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an ninh mạng và phát triển các ứng dụng số tại các cơ sở GDNN. Đồng thời, xây dựng các trung tâm đào tạo giáo viên vùng; ứng dụng công nghệ đào tạo trực tuyến để phát triển đội ngũ giáo viên. Tổng cục cũng đã kết nối với Tập đoàn Microsoft và tổ chức Di cư Thế giới để xây dựng những nền tảng phù hợp nhất với chương trình học tập và trình độ của hệ thống GDNN. 

Tùng Dương