Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Trường nghề nghiên cứu đào tạo ngay tại doanh nghiệp

Chưa ra trường, kỹ năng đã lạc hậu

Trao đổi tại hội thảo "Phát triển chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện", các chuyên gia GDNN đều có chung nhận định là nhiều trường nghề không đủ điều kiện để đầu tư trang thiết bị dạy học theo kịp sự thay đổi của thực tế sản xuất và giảng viên cũng không đủ kỹ năng thực tế. Do đó, khi sinh viên ra trường thì kỹ năng họ được đào tạo đã trở nên lạc hậu.

Theo Thạc sĩ Châu Minh Hiền, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, công tác chuẩn hóa trình độ của cán bộ, nhà giáo là một yếu điểm lớn trong GDNN nói chung.

Nhà giáo phần lớn được đào tạo lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp (DN) nên chưa bắt kịp sự vận động, phát triển của nền GDNN theo định hướng ứng dụng như hiện nay.

Ông lấy ví dụ tại trường mình, đa số nhà giáo của trường là nhân lực trẻ, mới tốt nghiệp thạc sĩ nên kinh nghiệm thực tế từ DN chưa nhiều, nhà giáo chỉ tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy mà thiếu kiến thức thực tế tại DN để ứng dụng vào việc giảng dạy.

Trường nghề nghiên cứu đào tạo ngay tại doanh nghiệp - 1

Nhân lực và trang thiết bị dạy học là hai vấn đề nan giải của các trường nghề hiện nay (Ảnh: CĐCĐ Đắk Nông).

Thạc sĩ Châu Minh Hiền cho rằng, việc nhà giáo chưa trải nghiệm nhiều đã gây ra không ít khó khăn cho nhà trường trong việc thúc đẩy đổi mới đào tạo theo định hướng nghề nghiệp.

Một khó khăn khác là nhiều trường nghề chưa được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị đào tạo. Sự thiếu hụt trang thiết bị, tài liệu học tập, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy thực hành khiến chất lượng giảng dạy cũng khó đảm bảo.

Đưa đào tạo nghề đến doanh nghiệp

Theo Thạc sĩ Châu Minh Hiền, để đảm bảo chất lượng giảng dạy thực hành tại các cơ sở GDNN, trước mắt, các trường cần tăng cường đưa nhà giáo đến DN để học tập thực tế nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề.

Đồng thời, phải liên kết DN để đưa học viên đến học những thiết bị mà trường không, hoặc chưa có điều kiện tài chính để đầu tư. Nhờ đó, người học có cơ hội tiếp xúc với điều kiện thực tế cũng như các phương tiện và thiết bị hiện đại nhất đang được ứng dụng trong sản xuất.

Thạc sĩ Châu Minh Hiền nhấn mạnh: "Để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN thì việc gắn kết nhà trường với DN là một trong các giải pháp trọng tâm. Nhà trường đào tạo theo nhu cầu của DN, DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường".

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM), cho rằng: "Các trường nghề phải nghiên cứu mời những chuyên gia, thợ cả lâu năm về giảng dạy, góp ý chương trình đào tạo cho sát với thực tế lao động".

Theo ông, có thể nghiên cứu mô hình đào tạo nghề như ở Đức. Học viên ngoài việc học lý thuyết và kỹ năng cơ bản ở trường nghề thì được gửi đến DN để học qua quá trình sản xuất thực tế. Còn việc cấp chứng chỉ sẽ có một cơ quan độc lập đánh giá, sát hạch.

Tuy nhiên, để huy động DN tham gia vào quá trình đào tạo này thì Chính phủ ngoài việc trợ cấp cho người học cũng phải có chính sách trợ cấp cho DN nhận đào tạo học viên trường nghề.

Tiến sĩ Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường CĐ KTKT Bạc Liêu - nhận định: "Có những chuyên gia đứng lớp hay hơn nhiều nhà giáo lâu năm".

Theo ông, trường nghề phải thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với định hướng thực hành nghề nghiệp, sau đó là cần có nguồn lực (nhân lực và tài lực) phù hợp để đảm bảo chương trình đào tạo. Có như vậy, chuẩn đầu ra của trường mới đáp ứng được nhu cầu lao động thay đổi từng ngày của thị trường.

Để làm được điều này, tiến sĩ Trần Công Chánh khẳng định chỉ có giải pháp là trường nghề phải kết hợp chặt chẽ với DN trong quá trình đào tạo để tận dụng chuyên gia và thiết bị của DN.