Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng số

Lao động có việc làm giảm mạnh

Xin ông cho biết tình hình thị trường lao động và việc làm sau đại dịch Covid-19 tại nước ta, nhất là đối với thanh niên?

- Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt dịch thứ 4 từ 27.4.2021 đến nay, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến thị trường lao động Việt Nam. Cụ thể, nguồn cung lao động suy giảm. Năm 2021 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ còn hơn 50 triệu người, giảm 0,8 triệu người so với năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9% so với năm 2020.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua: Lao động có việc làm năm 2021 là 49 triệu người, giảm 1 triệu so với năm 2020, trong đó giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Cơ cấu lao động có việc làm có sự thay đổi đảo chiều. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong quý IV.2021 là 8,78%, giảm 0,11 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,84 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 13,23%, tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 6,52 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

- Thực tế trên đặt ra yêu cầu gì đối với thanh niên trong chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, nhất là ở khu vực nông thôn và nhóm đối tượng yếu thế, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 bùng phát cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã làm thay đổi xu hướng, phương thức làm việc cũng như cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động. Thực tế này tạo ra sự cạnh tranh cao trong công việc; đòi hỏi người lao động cần có kỹ năng nghề cao, có tính tự chủ, sáng tạo, thích ứng với sự đổi mới để không bị đào thải.

 Một vấn đề nữa là nguồn nhân lực nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật thấp, kỹ năng làm việc hạn chế. Đại dịch Covid-19 đã khiến gần 2 triệu lao động không có trình độ bị mất việc làm, cao gấp 13 lần số người có trình độ sơ cấp và gấp 5 lần số người có trình độ từ đại học trở lên.

Bên cạnh đó, để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh đang tận dụng cơ hội để chuyển đổi số, kéo theo nhu cầu cấp thiết trong tuyển dụng lao động có kỹ năng, nhất là kỹ năng số. Nhiều vị trí việc làm thao tác đơn giản sẽ dần bị robot thay thế. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng cao, trong khi nhu cầu đối với lao động ít được đào tạo, kỹ năng thấp giảm.

Thực tế đòi hỏi thanh niên phải chủ động, tích cực trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là rèn luyện ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, tác phong làm việc công nghiệp khi muốn tham gia vào thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động

- Theo ông, việc đào tạo, bồi dưỡng cho lao động cần phải thực hiện như thế nào để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn?

- Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có nhiều chỉ đạo. Đặc biệt, trong Chương trình phục hồi thị trường lao động, Bộ đã đưa nhiệm vụ chính là đào tạo, nâng cao chất lượng cung lao động, với các hoạt động chính sau: Chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm phù hợp với trạng thái "bình thường mới". Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước mắt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng.

Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ/kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Đào tạo phổ cập nghề cho người lao động có kỹ năng thấp (bao gồm người lao động có và không có hợp đồng lao động). Đào tạo nhân lực chất lượng cao; đào tạo, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư các trường chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, có kỹ năng nghề phục vụ và phục hồi, phát triển kinh tế.

- Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, Cục Việc làm sẽ tham mưu hỗ trợ người lao động, đặc biệt là lao động thanh niên như thế nào?

- Cục Việc làm sẽ tham mưu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào một số giải pháp. Thứ nhất, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, phổ biến thông tin thị trường lao động cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt là tư vấn lựa chọn ngành nghề, công việc, kết nối cung cầu, rút ngắn thời gian tìm việc và thời gian tuyển người. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương, vùng miền. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

 Cùng với đó, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; đưa một bộ phận lao động trẻ đi làm việc ở các thị trường tốt với thu nhập, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này khi về nước.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện