Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi nghề

Nhiều hỗ trợ cho lao động dân tộc thiểu số

Hà Giang là một địa phương có tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số trong top đầu cả nước. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giáo dục nghề nghiệp năm 2022, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng, phục vụ sản xuất nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm công nghiệp…

Theo kế hoạch của Hà Giang, tỉnh dự kiến sẽ bố trí đào tạo nghề cho 8.000 người, bao gồm, cao đẳng 150 người, trung cấp 750 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 7.100 người. Tỉnh ưu tiên đào tạo, chuyển đổi nghề cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất, thành viên của hợp tác xã, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài các khoản hỗ trợ tiền ăn, học, đi lại cho lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang cũng chủ trì tổ chức xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình, định mức kinh tế kỹ thuật. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có khoa sư phạm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Giống như Hà Giang, Gia Lai cũng là một địa bàn tỷ lệ lao động là dân tộc thiểu số cao. UBND tỉnh Gia Lai đã sớm ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là 161,95 tỷ đồng.

Mục tiêu kế hoạch đặt ra là chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo tại các cơ sở sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin đào tạo từ xa, áp dụng giáo cụ trực quan sinh động. Tập trung đào tạo cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đạt tối thiểu 70% số lượng lao động qua đào tạo; sau khi học xong, ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Chuyển đổi nghề là bước đi quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi nghề

Nhằm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I là 2021 - 2025. Theo Thông tư, để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Cụ thể, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 1 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Văn Giang cho biết, với thời gian đào tạo ngắn, thời gian thực hành chiếm trên 70%, giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để học sinh, người lao động luyện đam mê, luyện tay nghề, sẵn sàng đón nhận cơ hội nghề nghiệp mới. Việc chuyển đổi nghề nếu được định hướng và đúng với nhu cầu phát triển của địa phương sẽ tạo nên bước ngoặt trong cuộc sống của nhiều người lao động, tiến tới ổn định kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, địa phương thì xã hội hóa cũng là một mắt xích quan trọng và là bài toán khó mà nhiều địa phương đang loay hoay tìm lời giải. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên gắn trách nghiệm của doanh nghiệp với đào tạo nghề nhưng cần phải cho người sử dụng lao động thấy được lợi ích của công tác đào tạo. Có như vậy, họ mới tự nguyện tham gia và hết lòng với công tác này.

Ngoài các chính sách hỗ trợ cho người lao động, địa phương nên có các chính sách riêng dành cho người sử dụng lao động như giảm thuế cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là người lao động thiểu số.

Ông Đỗ Văn Giang nhấn mạnh, lực lượng lao động có kỹ năng nghề là "hồn cốt" để tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn đối với vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đó chính là phương pháp để đồng bào thoát nghèo bền vững, xây dựng quê hương và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.

Tùng Dương