Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Skilling up Việt Nam: Thúc đẩy mô hình hoạt động Hội đồng kỹ năng nghề tại Việt Nam.

Chiều ngày 15/11/2019, tại Trung tâm hội Hội nghị quốc gia đã diễn ra Hội thảo Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đây là một trong năm Hội thảo trong chương trình Hội thảo bên lề của Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam (Skilling up) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạc và Đầu tư, Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Tham dự Hội thảo có ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Vụ Kỹ năng nghề thuộc Tổng cục; Ông Chang – Hee – Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, Bà Britta Van Erckelends, Phó Giám đốc Chương trinh đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ; Bà Joanna Wood, Tham tán giáo dục Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; ông Ha Sang Jin, Trưởng đại diện Văn phòng HRD Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp FLC, SAMSUNG Electronic Thái Nguyên; hàng trăm lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, một số phóng viên cơ quan thông tấn báo chí Trung ương.

Điểm nhấn tại Hội thảo lần  này là việc công bố các Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt đề án thí điểm thành lập Hội động kỹ năng nghề thuộc ngành Du lịch – Khách sạn theo đề xuất của Chính phủ Úc và đề án thí điểm thành lập Hội động kỹ năng nghề thuộc ngành Nông nghiệp theo đề xuất của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. 

Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao sáng kiến đề xuất triển khai mô hình kỹ năng nghề tại Việt Nam của Chính phủ Úc và Tổ chức Lao động quốc tế. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua Chính phủ luôn coi trọng việc phát triển kỹ năng cho lao động và tập trung nhiều giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp vì chỉ có nâng cao kỹ năng cho người lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục nghề nghiệp tuy có nhiều tiến bộ song so với khu vực và thế giới vẫn còn nhiều hạn chế thách thức. Làm thế nào để thu hút doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp hơn nữa là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động, đặc biệt đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0. Hội đồng kỹ năng nghề là một giải pháp mà quốc tế đã tư vấn, đề xuất triển khai tại Việt Nam, làm thế nào để hình thành cơ chế để gắn kết các bên tham gia và vận dụng thành công mô hình này tại Việt Nam.

     Bên cạnh đó, Bà Joanna Wood, Tham tán giáo dục Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng sự hình thành và đưa vào thí điểm mô hình Hội đồng kỹ năng nghề là một minh chứng cụ thể về mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước về giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn để mô hình này được vận dụng thành công tại Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động tại Việt Nam. Ông Chang – Hee – Lee, Giám đốc ILO Việt Nam coi đây là một bước ngoặt quan trọng trọng việc phát triển kỹ năng cho người lao động và giải quyết những khó khăn và thách thức của Việt Nam về chất lượng nguồn nhân lực. Cùng quan điểm với Chính phủ Úc, ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình thành công, làm thế nào thúc đẩy cơ chế phối hợp nhiều bên cùng tham gia để nâng cao chất lượng kỹ năng cho lao động.

                                                                                                                                Toàn cảnh Hội thảo

      Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và đại biểu đã chi sẻ nhiều kinh nghiệm triển mô hình Hội đồng kỹ năng nghề và bài học áp dụng cho Việt Nam. Đa số các ý kiến đều cho rằng để triển khai thành công mô hình Hội đồng kỹ năng nghề tại Việt Nam cần có thời gian và đặc biệt là niềm tin của xã hội. Hội đồng kỹ năng nghề nhất thiết phải có sự tham gia của rất nhiều bên như đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, giới sử dụng lao động, Chính phủ, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp cũng như từ cơ sở đào tạo,..và được gắn kết phối hợp chặt chẽ với kế hoạch thực hiện và các hoạt động cụ thể mà trước hết bắt đầu từ việc làm đầu tiên rất quan trọng là phân tích thị trường lao động, liên kết các ngành kinh tế liên quan tới lĩnh vực nghề liên quan.

 

                                                                                                                                                                                                                                           VP TCGDNN