Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Trường nghề cần coi trọng làm thương hiệu để tăng giá trị cơ sở

Thương hiệu mạnh sẽ làm gia tăng giá trị của cơ sở, xu thế tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đổi mới, hội nhập quốc tế thì càng phải coi trọng làm thương hiệu.

Trường nghề cần có những gì để tạo thành thương hiệu mạnh?

Thương hiệu mạnh của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là tên gọi, biểu trưng của cơ sở đó gắn với những ngành nghề, trình độ, kỹ năng tay nghề có chất lượng mà cơ sở cung cấp cho xã hội; gắn với những giá trị đảm bảo chất lượng đào tạo; là giá trị cảm nhận tích cực, sự tin tưởng, ủng hộ của người học, doanh nghiệp, đối tác khách hàng, về chất lượng cũng như những nét đặc sắc phân biệt của cơ sở GDNN.


Giá trị của thương hiệu đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp là gì? (Ảnh minh họa: H.H).

Một số cơ sở GDNN muốn tạo ra một thương hiệu mạnh cần 3 thành tố:

Một là, cơ sở GDNN phải cung cấp những dịch vụ có chất lượng cho xã hội; phải là những ngành, nghề, trình độ đào tạo, kỹ năng tay nghề trúng với nhu cầu xã hội; người học khi ra trường được cơ quan, doanh nghiệp đón nhận và họ có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp; được trả với mức lương tương xứng.

Hai là, cơ sở GDNN bảo đảm chất lượng cho quá trình đào tạo; phải có chương đào tạo hiện đại, được cập nhật phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm và yêu cầu kỹ năng mới. Cơ sở cần có một đội ngũ nhà giáo là những chuyên gia có uy tín về tay nghề, học thuật. Gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành, thực tập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu đào tạo phải tiến tiến. Công nghệ quản lý đào tạo và quản trị cơ sở hiện đại. Cơ sở GDNN có vị trí thuận lợi, môi trường sư phạm, cảnh quan, dịch vụ hấp dẫn người học; có nhiều hoạt động truyền thông xã hội nổi bật.

Ba là, doanh nghiệp, xã hội biết về cơ sở; đánh giá tốt về công nghệ đào tạo. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động luôn tin dùng những sản phẩm đào tạo của cơ sở ở trình độ kỹ năng tay nghề phù hợp. Học sinh, sinh viên (HSSV) tự hào vì được học tập, đào tạo tay nghề tại cơ sở.

Giải pháp xây dựng, quản trị thương hiệu đối với cơ sở GDNN

Xã hội đã biết đến những thương hiệu đào tạo có kỹ năng tay nghề tốt như thương hiệu Bách Khoa; trong nghề công nghệ thông tin (CNTT) có FPT; trong ngành du lịch có hệ thống các trường cao đẳng du lịch thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; trong đào tạo nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe, xã hội đánh giá cao Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai, các trường của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động...

Đã đến lúc các cơ sở GDNN không thể chờ "hữu xạ tự nhiên hương" mà cần bắt tay vào làm thương hiệu cho cơ sở một cách bài bản, bởi đứng trước sự lựa chọn học nghề gì, học ở đâu, dứt khoát người học phải có căn cứ để lựa chọn; doanh nghiệp tuyển dụng cũng sẽ lựa chọn nhân lực có chất lượng được đào tạo từ những cơ sở danh tiếng. Từ những đòi hỏi, yêu cầu phát triển, thu hút tuyển sinh và chất lượng đầu vào, xin gợi ý một số giải pháp cho việc xây dựng, quản trị thương hiệu đối với cơ sở GDNN.


Thương hiệu của cơ sở cũng có thể tạo ra từ những phát triển đột phá trong nâng cao chất lượng (Ảnh minh họa: H.H).

Trước tiên, cần một sự quyết tâm từ phía lãnh đạo cơ sở GDNN trong triển khai bài bản việc xây dựng, quản trị và quảng bá thương hiệu. Cần thống nhất nhận thức xây dựng thương hiệu không phải là hình thức truyền thông đơn thuần về tên gọi mà nó gắn chặt với việc đáp ứng chất lượng đào tạo và bảo đảm chất lượng.

Tầm nhìn, sứ mệnh của cơ sở được truyền thông, công bố với xã hội, người học, đối tác. Do công tác xây dựng, quản trị thương hiệu liên quan đến chiến lược phát triển cơ sở nên cần có lãnh đạo phụ trách và có bộ phận đầu mối tham mưu. Mỗi cơ sở GDNN cần có chiến lược, kế hoạch phát triển, quản trị thương hiệu một cách bài bản, dài hạn.

Trong triển khai cần phải đánh giá thực trạng về cơ sở GDNN của mình để xác định lối đi riêng: Cần đánh giá tất cả các ngành, nghề cơ sở đang đào tạo và xác định những ngành, nghề thế mạnh; những ngành, nghề được lựa chọn đầu tư thành trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; những ngành, nghề có liên kết đào tạo thực hành, thực tập với nước ngoài, doanh nghiệp lớn; những ngành, nghề có nhu cầu tiềm năng; dự báo những xu thế kỹ năng cần đón bắt.

Cơ sở GDNN cũng đánh giá đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đào tạo của cơ sở và đánh giá các điều kiện bảo đảm như chương trình đào tạo, trang thiết bị, học liệu đào tạo, khả năng ứng dụng CNTT, mô phỏng trong đào tạo, quản lý đào tạo và quản trị cơ sở.

Trên cơ sở đánh giá điểm mạnh và hạn chế, cơ sở GDNN xác định những ngành, nghề mũi nhọn; có kế hoạch thu hút, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo là những người có kỹ năng tay nghề; những chuyên gia hàng đầu trong xây dựng chương trình và luyện thi tay nghề; những nhà giáo có trình độ học hàm, học vị phục vụ đào tạo.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường xây dựng cơ ngơi phòng học, thư viện, khu thể thao, căng tin, cảnh quan sư phạm hiện đại thành cơ sở GDNN "mơ ước" để góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo; tăng niềm tự hào, hạnh phúc của HSSV khi được đào tạo tại cơ sở.

Trên cơ sở đó xác định hướng đi phát triển và định vị thương hiệu cơ sở. Có thể thương hiệu của cơ sở được phát triển từ một số ngành, nghề có chất lượng vượt trội; những ngành, nghề được lựa chọn là ngành, nghề trọng điểm; những ngành, nghề có sự đầu tư từ các dự án ODA; đã được đào tạo thí điểm chuyển giao từ Úc, Đức. Tập trung làm tốt công tác kiểm định chất lượng GDNN; tự đánh giá trong và kiểm định đánh giá ngoài; kiểm định các chương trình đào tạo và kiểm định quốc tế. Thông qua kết quả kiểm định trong nước và quốc tế, những đánh giá xếp hạng, các dự án quốc tế được đầu tư để quảng bá cho cơ sở.

Đồng thời, cần phải tạo ra môi trường và không gian để quảng bá cho cơ sở GDNN như thông qua các hoạt động phong trào của HSSV sôi nổi, các hoạt động Đoàn, Hội, văn hóa, thể thao, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ cựu HSSV, tổ chức các kỳ thi về kỹ năng nghề, hội thi nhà giáo, thiết bị cấp cơ sở và tạo ra dấu ấn sâu đậm trong hệ thống và xã hội khi tham gia các cuộc thi của ngành và của các cơ quan uy tín tổ chức. Tổ chức các cuộc vận động sáng tác các ca khúc được giới trẻ ưa thích về cơ sở.

Cơ sở GDNN cũng cần bố trí cán bộ có chuyên môn và các trang thiết bị phục vụ truyền thông. Tăng cường đầu tư phương tiện, hạ tầng phục vụ truyền thông cho cơ sở như website tiếng Việt, tiếng Anh, Fanpage, App, mạng xã hội; xây dựng slogan tuyên bố cam kết về chất lượng sứ mệnh của cơ sở; thiết kế bộ nhận diện bao gồm logo, mầu sắc, đồng phục, quà lưu niệm, tài liệu quảng cáo, giới thiệu về nhà trường. Có khu vực check in cho HSSV.

Xây dựng, lựa chọn những cá nhân đại diện hình ảnh thương hiệu của cơ sở là những HSSV đạt giải trong các kỳ thi kỹ năng nghề, những HSSV thành đạt; những người nổi tiếng, MC có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Hình thành mạng lưới các nhà báo thân thiết để cùng đồng hành với nhà trường. Xây dựng Câu lạc bộ truyền thông là các thầy cô giáo và HSSV viết bài để đăng trên website và gửi các báo chí phục vụ truyền thông.

Chú trọng truyền thông, phản hồi và tương tác với HSSV, doanh nghiệp, đối tác về hoạt động tổ chức đào tạo; về bảo đảm chất lượng; về hoạt động nổi bật của cơ sở về chất lượng kỹ năng tay nghề.

Thương hiệu mạnh sẽ làm gia tăng giá trị của cơ sở, xu thế tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN và đổi mới, hội nhập quốc tế thì càng phải coi trọng làm thương hiệu. Cơ sở GDNN có thương hiệu mạnh sẽ thu hút tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào và tăng cơ hội hợp tác và công nhận bằng cấp quốc tế.

Thương hiệu phải được làm thường xuyên, liên tục, gắn với cải tiến, đổi mới quy trình đào tạo và từ hiệu quả công tác truyền thông, đây là quá trình tích lũy lâu dài, giá trị thương hiệu sẽ tăng theo thời gian.

Thương hiệu của cơ sở cũng có thể tạo ra từ những phát triển đột phá trong nâng cao chất lượng. Thương hiệu được thực hiện đồng bộ trong hệ thống sẽ tạo nên thương hiệu GDNN quốc gia.

Để việc xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho các cơ sở GDNN được thuận lợi và có không gian triển khai, về phía Tổng cục GDNN cần tăng cường hướng dẫn cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược đổi mới phát triển GDNN.

Tăng cường các hoạt động kiểm định, đánh giá xếp hạng các cơ sở; tạo môi trường và hỗ trợ cho các cơ sở tham gia vào chương trình kiểm định, công nhận để dịch chuyển kỹ năng lao động trong ASEAN; thường xuyên động viên cổ vũ cho các cơ sở GDNN tham gia vào hệ sinh thái truyền thông của GDNN.

Trần Quốc Huy
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
(Theo dantri.com.vn)