Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung chưa được đầu tương xứng như các trường THPT, trong đó vấn đề thiếu giáo viên, thiếu sự kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp.

Chưa đầu tư đúng mức

Như Dân trí đã phản ánh, năm học 2022-2023, nhiều trường THPT tại Đắk Nông gặp áp lực khi tuyển sinh vào lớp 10 do số lượng hồ sơ tăng cao. Nhiều học sinh rơi vào cảnh không có nơi để học do chỉ tiêu vào lớp 10 có giới hạn, còn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) lại không tổ chức dạy văn hóa.

Điển hình tại huyện Đắk Glong, Trung tâm GDNN-GDTX không đào tạo văn hóa, chính vì thế những học sinh không đậu các trường THPT trên địa bàn, nếu muốn đi học thì phải đến địa phương khác.

Hiện nay trung tâm này còn đang hoạt động ở trụ sở tạm dù đã nhiều lần có văn bản đề xuất xây dựng trụ sở riêng.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục nghề nghiệp - 1

Trung tâm GGNN-GDTX huyện Đắk Glong phải hoạt động tại trụ sở tạm.

Ông Hoàng Huy Tùng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong - cho biết trung tâm có 2 chức năng là dạy văn hóa và dạy nghề. Ngoài việc thiếu cơ sở để tổ chức dạy học thì trung tâm cũng không có giáo viên dạy văn hóa, thế nên trong nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của trung tâm chỉ tập trung vào đào tạo nghề ngắn hạn.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, nhận định một trong những nguyên nhân khiến học sinh "chưa thực sự quan tâm" tới giáo dục nghề nghiệp chính là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục nghề nghiệp - 2

Theo đánh giá, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề khiến hoạt động GDNN vẫn chưa nổi bật (Ảnh Đặng Dương).

Bên cạnh đó, nguồn lực của tỉnh Đắk Nông còn hạn chế, hầu hết phụ thuộc vào nguồn Trung ương hỗ trợ; đội ngũ giáo viên chưa đủ về số lượng và chất lượng... cũng khiến cho kết quả hoạt động của các trung tâm GDNN - GDTX chưa nổi bật.

Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách

Tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách từ Trung ương. Trong đó, học sinh tốt nghiệp bậc THCS, khi tham gia học tập tiếp tại các trung tâm GDNN-GDTX sẽ được hỗ trợ 100% học phí, theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng có những chính sách, quy định đặc thù nhằm hỗ trợ đào nghề; định hướng phân luồng đào tạo để đào tạo từng bước gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, ngày 28/10/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-20251.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục nghề nghiệp - 3

Theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Đắk Nông, học sinh sẽ được hỗ trợ học phí và tiền ăn nếu học tại các cơ sở GDNN công lập (Ảnh: Đặng Dương).

Từ ngày 1/11/2021 cho đến hết ngày 31/12/2025, tỉnh Đắk Nông sẽ sử dụng ngân sách nhà nước, hỗ trợ học phí và tiền ăn cho tất cả học sinh, sinh viên của tỉnh học tập trung chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Đắk Nông chỉ áp dụng cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, không áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập. Đây cũng là "nút thắt" đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong xu thế xã hội hóa giáo dục.

"Việc hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề ở cả 2 loại hình công lập và ngoài công lập giúp học sinh có thêm lựa chọn phù hợp với bản thân. Đồng thời, buộc các cơ sở giáo dục phải nỗ lực, đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn để thu hút người học", một lãnh đạo ngành giáo dục nêu quan điểm.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục nghề nghiệp - 4

Theo lãnh đạo các đơn vị GDNN, cần thêm những chính sách trợ lực cho hoạt động dạy nghề (Ảnh: Đặng Dương).

Trong khi đó, thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông".

Theo nội dung kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% và 35% vào năm 2025.

Thế nhưng khi triển khai thực tế, học sinh chọn vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX vẫn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Thắng- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Đức - cho rằng để thực hiện hiệu quả đề án phân luồng, mỗi năm học tỉnh Đắk Nông cần phân bổ chỉ tiêu rõ ràng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng học sinh đã nộp hồ sơ vào trung tâm sau đó lại rút hồ sơ ra để nộp lại vào các trường THPT như năm nay.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung chưa được đầu tương xứng như các trường THPT, trong đó vấn đề thiếu giáo viên, thiếu sự kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp vẫn là rào cản trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục này.

Hiệu quả phân luồng còn thấp

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, dù đã ban hành kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp nhưng đề án vẫn chưa hiệu quả như tỷ lệ phấn đấu ban đầu là 30% học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu đặt ra như vậy, song luồng học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT năm học 2021-2022 vẫn chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 87,6%), trong khi học sinh học nghề chỉ chiếm 4,2 %.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 9.443/10.649 thí sinh dự tuyển vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 88,6%. Việc đăng ký dự tuyển này vượt chỉ tiêu được giao nên UBND tỉnh Đắk Nông phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đến cuối tháng 7, tỷ lệ học sinh vào THPT sau THCS vẫn ở mức trên 85%.

Theo dantri.com.vn