Featured news - Admissions

News

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề/GDNN ở các cấp được củng cố và tăng cường. Đây là yếu tố quan trọng giúp GDNN ổn định và phát triển bền vững.

 

 

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN - Ảnh 1.

                                                                              Thí sinh Trương Thế Diệu HCB nghề phay CNC tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45

 

Giai đoạn 2015 - 2020, nhận diện và nắm bắt được thời cơ, thuận lợi; vượt qua được các thách thức, khó khăn, lĩnh vực GDNN đã có những bước nỗ lực, tiếp tục đổi mới và có bước phát triển quan trọng góp phần đạt được những thành tự nổi bật: tuyển mới hàng năm tăng và vượt kế hoạch đề ra góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2019 đạt khoảng 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và mức thu nhập ở mức cao (trên 80%, một số ngành, nghề đạt mức 100%);

Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được củng cố và tăng cường (tiếp tục xây dựng và ban hành các chuẩn trong GDNN; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn...); công tác thí điểm đào tạo chất lượng triển khai theo kế hoạch, hoàn thành thí điểm đào tạo chương trình chuyển giao từ Úc (100% học sinh tốt nghiệp có việc làm và có thu nhập ở mức khá và cao), tiếp tục triển khai thí điểm đào tạo chất lượng cao theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức và chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhân rộng trong cả nước;

Công tác rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được triển khai theo đúng lộ trình, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; hoàn thành thí điểm tự chủ tại 03 trường cao đẳng, đồng thời đã áp dụng cơ chế tại nhiều cơ sở GDNN có đủ điều kiện; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN tiếp tục được mở rộng với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Những kết quả quan trọng này đã góp phần đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc (xếp thứ 102/141) tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Giai đoạn 2016 - 2020, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN được tổ chức và từng bước kiện toàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN từ Trung ương đến các địa phương. Với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước được phân định rõ ràng đã tạo ra được hệ thống thể chế đồng bộ tạo sự thống nhất, xuyên suốt công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về GDNN.

Công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đã được đẩy mạnh thông qua phối hợp chặt chẽ với khoảng trên 40 cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương, tổ chức các hội nghị, ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp... Trong giai đoạn 2016-2019, cả nước đã tuyển mới GDNN được 8,8 triệu người, gồm: 788 ngàn trình độ cao đẳng, 1,1 triệu trình độ trung cấp và 6,9 triệu trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Cả giai đoạn 2016-2020, ước cả nước tuyển sinh được khoảng 11 triệu người, gồm 2,4 triệu trình độ cao đẳng, trung cấp và 8,6 triệu trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng

Bên cạnh việc đổi mới và đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền thì các quy định về đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về liên kết đào tạo với doanh nghiệp (doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo) đã được ban hành góp phần tạo điều kiện cho mọi học sinh, sinh viên có cơ hội học tiếp lên các trình độ cao hơn và sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo thiết thực hơn.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng tiếp tục được đổi mới và tăng cường góp phần nâng cao chất lượng đào tạo GDNN. Trong giai đoạn 2016-2019, Tổng cục đã tham mưu, trình Bộ ký quyết định ban hành chuẩn đầu ra cho 210 ngành, nghề để các trường làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo. Ngoài ra, đã xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình 6 môn học chung; tổ chức xây dựng 12 bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề cấp độ quốc tế.

Nhằm nâng cao chất lượng GDNN tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới, Tổng cục báo cáo Bộ đã hoàn thành việc chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo cho 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (12 bộ chương trình từ Úc và 22 bộ chương trình từ CHLB Đức) và đang tiến hành đào tạo thí điểm cho khoảng 2000 sinh viên trình độ cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp được cấp 02 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc Đức).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được đào tạo và bồi dưỡng ở trong và ngoài nước để đạt chuẩn theo quy định. Số lượng nhà giáo ở các trình độ qua các năm đều tăng lên và tăng mạnh nhất vào năm 2017 do sự sáp nhập của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vào hệ thống GDNN. Tính đến năm 2018, tổng số nhà giáo tại các cơ sở GDNN là 86.910 người, trong đó: nhà giáo trong các cơ sở GDNN công lập là 58.795 người (chiếm tỷ lệ 67,6%), trong đó nhà giáo có trình độ trên đại học là 27.550 chiếm 31,7%, cơ bản đáp ứng mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.

Văn Lỳ/baodansinh.vn