Featured news - Admissions

News

Ngân sách cho trường nghề: Tiến tới phân bổ theo chất lượng đào tạo

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS. TS. Vũ Cương - Trưởng bộ môn Kinh tế công cộng - Khoa Kế hoạch và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, ngân sách có thể sử dụng hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta thay đổi cách thức phân bổ và quản lý.

Sự thay đổi phân bổ ngân sách theo kết quả hoạt động của các cơ sở

                                                         Sự thay đổi phân bổ ngân sách theo kết quả hoạt động của các cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Cụ thể theo PGS. TS Vũ Cương hiệu quả chi ngân sách sẽ tăng lên nếu thay đổi cách thức phân bổ theo hướng: chuyển từ cấp phát ngân sách theo các định mức đầu vào sang phân bổ theo đầu ra và kết quả hoạt động của các cơ sở đào tạo; chuyển từ cấp ngân sách trực tiếp cho các trường sang cơ chế xét duyệt cạnh tranh hoặc từ cấp không sang cho vay, đặc biệt đối với kinh phí đầu tư phát triển.

PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2018, ngân sách đã bố trí 19.285 tỷ đồng, năm 2019 là 21.339 tỷ đồng cho GDNN; tỷ lệ tăng chi năm 2019 so với năm 2018 là 10,96%. Với số chi như vậy, theo ông, liệu đã đảm bảo cho hoạt động của GDNN?

PGS. TS. Vũ Cương: Trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, quả thực việc Nhà nước bố trí kinh phí cho GDNN với mức tuyệt đối tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, là một sự cố gắng không nhỏ. Tuy nhiên, để nói rằng mức chi như vậy đã đảm bảo cho hoạt động GDNN hay chưa thì chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, chúng ta cần làm rõ đủ hay thiếu là so với cái gì. Kể cả so với nhu cầu của các cơ sở GDNN thì cũng phải nói rõ đó là nhu cầu ở số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ GDNN như hiện nay hay so với mục tiêu đổi mới hệ thống GDNN của nước ta.

Theo nghiên cứu “Việt Nam; Đổi mới hệ thống GDNN” của Ngân hàng Thế giới, chi NSNN trên đầu một sinh viên GDNN ở Việt Nam tương đương khoảng 23% GDP trên đầu người ở nước ta (năm 2015). Tỷ lệ này chỉ thấp hơn một chút so với mức 26% GDP trên đầu người của các nước OECD. Mức chi NSNN trên đầu sinh viên GDNN chỉ bằng 1/8 mức của các nước OECD. Như vậy, với hai chỉ số là mức chi tiêu công trên đầu sinh viên và tỷ số giữa mức chi tiêu này với GDP bình quân đầu người và so sánh Việt Nam với mức trung bình của OECD, Ngân hàng Thế giới đã kết luận rằng, phân bổ chi tiêu công cho GDNN ở Việt Nam đang là mức hợp lý và không nên cắt giảm. Tuy nhiên, nếu Nhà nước thực sự muốn đổi mới GDNN thì còn phải dành thêm nguồn lực cho lĩnh vực này.

 PGS. TS. Vũ Cương

PGS. TS. Vũ Cương

PV: Là người đã theo dõi và nghiên cứu về tài chính GDNN, ông có nhận định như thế nào về hiệu quả sử dụng ngân sách trong lĩnh vực GDNN?

PGS. TS. Vũ Cương: Hiệu quả sử dụng NSNN trong lĩnh vực GDNN lại là một vấn đề khác. Do hệ thống phân bổ ngân sách ở nước ta không dựa vào kết quả nên để đánh giá chính xác về hiệu quả GDNN là không dễ. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy ngân sách có thể sử dụng hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta thay đổi cách thức phân bổ và quản lý theo hướng: chuyển từ cấp phát ngân sách theo các định mức đầu vào sang phân bổ theo đầu ra và kết quả hoạt động của các cơ sở đào tạo; chuyển từ cấp ngân sách trực tiếp cho các trường sang cơ chế xét duyệt cạnh tranh hoặc từ cấp không sang cho vay (đặc biệt đối với kinh phí đầu tư phát triển).

Một loạt các chính sách mới về quản lý và sử dụng ngân sách liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập gần đây (như Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) đã chuyển dịch theo hướng này.

PV: Thưa ông, liệu có mô hình tối ưu về phân bổ ngân sách cho GDNN?

PGS. TS. Vũ Cương: Hiện nay chưa có mô hình nào tối ưu về việc phân bổ ngân sách, vì nó còn tuỳ thuộc vào điều kiện thể chế, văn hoá... của từng quốc gia. Tuy vậy, về mục tiêu của phân bổ ngân sách thì kinh nghiệm quốc tế đều cho thấy, việc phân bổ ngân sách cần đảm bảo các nguyên tắc. Thứ nhất là hiệu quả, gắn việc phân bổ ngân sách với kết quả hoạt động, tăng cường tính cạnh tranh trong phân bổ, sử dụng ngân sách. Thứ hai là gắn với ưu tiên quốc gia, mỗi thời kỳ, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia ưu tiên gì thì phân bổ ngân sách cho GDNN phải đáp ứng ưu tiên đó. Thứ ba là bền vững, vốn NSNN chỉ là vốn mồi hỗ trợ, còn các trường phải tự chủ về tài chính và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả đào tạo. Thứ tư là công bằng, hỗ trợ sinh viên nghèo học tập.

 Như vậy, việc phân bổ ngân sách cần có quan điểm toàn diện, nhìn nhận NSNN chi cho tất cả các hoạt động GDNN trong một chỉnh thể thống nhất và được đổi mới đồng bộ, nhất quán bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi cho người học qua chương trình tín dụng sinh viên... Đồng thời, phân bổ ngân sách kết hợp nhiều phương thức phân bổ khác nhau, phù hợp với bối cảnh, trong đó, một phần phân bổ theo công thức, có thể vẫn sử dụng một số biến số đầu vào trong công thức để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của các trường; một phần cấp theo đầu ra dưới các hình thức đấu thầu và đặt hàng; thẩm định cạnh tranh các đề xuất dự án đầu tư phát triển, chuyển từ cấp phát vốn đầu tư sang cho vay ưu đãi, có thể không tính lãi, hoặc đồng tài trợ để gắn trách nhiệm của trường với việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.... Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng các chương trình học bổng quốc gia và tín dụng sinh viên tách bạch khỏi chương trình chung do ngân hàng chính sách xã hội điều hành như hiện nay.

PV: Thời gian gần đây, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách liên quan đến việc thay đổi cách phân bổ ngân sách cho GDNN, thu hút vốn xã hội hóa như ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP về tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp. Ông có kỳ vọng như thế nào về hiệu quả chi ngân sách trong lĩnh vực GDNN thời gian tới?

PGS. TS Vũ Cương: Như đã nêu, các chính sách hiện nay đang thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước chuyển đổi theo hướng trên. Ví dụ, Nghị định 32 về bản chất là chuyển từ phương thức cấp phát theo đầu vào sang chi trả theo đầu ra (kết quả đào tạo theo ngành nghề mà nền kinh tế cần nhưng khó xã hội hoá); chuyển quan hệ giữa cơ quan tài chính và các trường sang quan hệ thực hiện hợp đồng, mở ra cơ hội cho các trường tư thục được cạnh tranh với đơn vị công lập trong thực hiện các hợp đồng với Nhà nước khi hình thức đấu thầu dịch vụ GDNN được áp dụng.

Đây là những điều kiện tiên quyết cần có để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Tuy nhiên, cần những cải cách đồng bộ khác thì những chính sách này mới phát huy hiệu quả thực sự. Chẳng hạn, Nghị định 32 mới xử lý vấn đề chi thường xuyên từ NSNN cho các trường, còn chi đầu tư phát triển, chi cho người học... cũng cần có sự đổi mới tương ứng. Ngoài ra, bản thân với nguồn chi tài chính từ NSNN cũng cần hàng loạt các nỗ lực từ cơ quan chủ quản như vấn đề xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xây dựng hệ thống giám sát kết quả hoạt động của các trường và hệ thống thông tin quản lý của GDNN để xã hội (người học, phụ huynh, doanh nghiệp...) có thể tiếp cận công khai, minh bạch, đáng tin cậy... cùng tham gia giám sát và tăng trách nhiệm giải trình của các trường.

Chỉ khi cả hệ thống GDNN cùng được cải cách đồng bộ như thế thì những thay đổi trong chính sách tài chính cho GDNN mới có hiệu quả.

P.V: Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                                                                                                      Bùi Tư/Thời báo tài chính Việt Nam