Featured news - Admissions

News

Tôn vinh người thợ

Tôn vinh người thợ là một ý tưởng hay và Nhà trường nên tổ chức ở các khu vực công cộng, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tới toàn xã hội về đào tạo nghề. Đó là gợi mở của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Tổng cục với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam diễn ra mới đây.

                                                                                                                                   Toàn cảnh buổi làm việc

Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam là một mô hình trường trong doanh nghiệp, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn KTV). Đến nay, sau gần 5 năm tái cơ cấu (kể từ 2015) Nhà trường đã chứng tỏ năng lực cũng như chiến lược phát triển của mình khi liên tục tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đã thành lập được Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; hiện có 12 nghề được Bộ lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá kỹ năng nghề.

 

Từ năm 2015 đến nay, trường đã tuyển sinh đào tạo  gần 18 nghìn lao động nghề mỏ; trong đó, có tới 49% số lao động được đào tạo là người dân tộc thiểu số đang làm việc lâu dài tại các đơn vị trong Ngành. Cùng với đó, chất lượng đào tạo ngày một tăng lên; doanh thu tăng đều qua các năm; riêng năm 2019, nhà trường đạt hơn 410 tỷ đồng; thu nhập bình quân của cán bộ, giáo viên đạt 12,6 triệu đồng/người/tháng.

                                                                                                 TS. Nguyễn Quang Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Báo cáo với Đoàn công tác, TS. Nguyễn Quang Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài những kết quả trên trường cũng đang tồn tại một số khó khăn; trong đó, vướng nhất là cơ chế, phương thức thanh toán.Thông thường, các cơ sở đào tạo khác chỉ cần xây dựng dự toán hằng năm; được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tuyển sinh đào tạo; sau đó ngân sách sẽ cấp bù lại cho cơ sở đào tạo, người học không phải đóng học phí. Nhưng cơ chế này không áp dụng cho các trường như Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam nên dễ dẫn đến những rủi ro.  Theo đó, Nhà trường kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có phương án để tháo gỡ; tránh ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh...

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đã biểu dương những thành tích mà Nhà trường đạt được, đặc biệt là sau khi tái cơ cấu. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, Nhà trường không được phép chủ quan, luôn đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để khẳng định vị thế của Nhà trường cũng như của Ngành Giáo dục nghề nghiệp nói chung.

                                                                                                         Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu

Đối với các vấn đề còn vướng mắc như dạy văn hóa trong nhà trường; các bậc kỹ năng; các vấn đề liên quan đến bộ đội xuất ngũ; vấn đề quản lý, cơ chế thanh toán… Tổng cục và Nhà trường sẽ tiếp tục trao đổi để tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng; coi đây là căn cứ để đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, Tổng cục trưởng cũng đề nghị, Nhà trường cần chia sẻ những bài học kinh nghiệm của mình trong việc tái cơ cấu và đổi mới thành công. Trong đó, nêu rõ từ bối cảnh, mục tiêu; khó khăn, thuận lợi cũng như các giải pháp đã sử dụng trong quá trình đổi mới để làm bài học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

 

Ngoài ra, Tổng cục trưởng cũng đề xuất, tôn vinh người thợ là một ý tưởng hay và Nhà trường nên tổ chức ở các khu vực công cộng, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tới toàn xã hội về đào tạo nghề. Đối tượng tôn vinh phải là những đối tượng thực sự xuất sắc; và nên bao gồm cả người dạy, người học, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo.

                                                                                                                                                                                             Thái Bình/daibieunhandan.vn