Featured news - Admissions

News

Kỳ thi kỹ năng nghề 2020: Xử lý thách thức và nắm bắt cơ hội

Bên cạnh thách thức cũng mang lại cơ hội, Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2020 có ý nghĩa quan trọng để nâng cao hình ảnh, vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề trong xã hội.

Bối cảnh đặc biệt

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia (sau đây gọi tắt là Kỳ thi) theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng 8/2020 được tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt.

Trước hết, Kỳ thi năm nay mang một ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành giáo dục nghề nghiệp đang tích cực triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Thứ 2, Kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp đang tạo ra nhiều thách thức cho công tác tổ chức Kỳ thi.

Tuy nhiên, theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam, bên cạnh thách thức cũng mang lại cơ hội, kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia có ý nghĩa quan trọng để nâng cao hình ảnh, vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề trong xã hội. Đặc biệt, Kỳ thi có ý nghĩa rất lớn đối với công tác tuyển sinh của các trường trước bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sắp diễn ra.

Trước đó, ngày 6/3, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản lùi thời gian tổ chức Kỳ thi đến cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quyết định tiếp tục lùi kỳ thi đến khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Kỳ thi kỹ năng nghề 2020: Xử lý thách thức và nắm bắt cơ hội

                                                                               Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Ảnh minh họa

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Do bối cảnh đặc biệt trên, Hội nghị Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam mới đây đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc của các Hội đồng thi về công tác chuẩn bị Kỳ thi năm 2020 theo kế hoạch và theo diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19.

Theo đó, Ban Tổ chức dự kiến có 02 phương án. Phương án 1 là tổ chức Kỳ thi theo đúng kế hoạch đã xác định. Phương án 2, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, Kỳ thi sẽ giảm bớt các hoạt động như phiên khai mạc chung, phiên bế mạc và các hoạt động bên lề, chỉ tổ chức thi kỹ năng cho các thí sinh tham gia dự thi.

Nhìn chung, đa số các đại biểu có ý kiến ủng hộ phương án 2 vì những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đang tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, số ca nhiễm mới đang tăng dần ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo phương án này, đại diện các Hội đồng thi Kỹ năng nghề quốc gia đề nghị cần sớm có thông tin những nghề nào được thi, đoàn nào có thể tham dự để chủ động chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ công tác thi kỹ năng nghề. Bên cạnh các thí sinh tham gia dự thi, các đoàn cần có sự bố trí nhân sự tham dự Kỳ thi phù hợp theo hướng giảm thiểu về số lượng.

Một số nghề thi như Phay CNC, Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Hàn,… có số lượng thí sinh đông, trong khi thời gian làm bài theo quy định tiếp cận tiêu chuẩn thi ASEAN, thế giới sẽ kéo dài hơn so với Kỳ thi kỹ năng nghề mọi năm nên tổ chức thi các nghề này sớm hơn.

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề nhấn mạnh, Kỳ thi năm nay được tổ chức theo hướng tiếp cận tối đa các quy định của Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, áp dụng Phương pháp đánh giá, chấm điểm của WorldSkills (Đo lường và Phán quyết) với hệ thống chấm điểm ứng dụng phần mềm CIS.

Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của thí sinh cũng được tăng thêm; tôn vinh và quảng bá hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề, những thí sinh đạt giải cao sẽ được lựa chọn làm đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam.

Còn theo ông Trương Anh Dũng, cần tăng cường tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. “Một số nội dung như khai mạc Kỳ thi, bế mạc Kỳ thi, các hội thảo bên lề nên tổ chức theo hình thức trực tuyến”.

Cũng theo ông Dũng, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến tại Hội nghị để hoàn thiện và ban hành sớm nhất quy chế tổ chức Kỳ thi, tiếp tục nghiên cứu phương án tổ chức, tổng hợp số đoàn tham gia, kinh phí tổ chức để các Hội đồng thi và đơn vị đăng cai chủ động trong công tác tổ chức thi kỹ năng nghề.

                                                                                                                                                                                                                           Minh Vy/Vietnamnet.vn