Featured news - Admissions

News

Thu hút học sinh - cách làm của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II

Để hút học sinh đến với trường nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có rất nhiều giải pháp như nhà trường tìm đến các trường cấp II, III hoặc vào tận từng thôn xóm thông qua tổ trưởng dân phố, trưởng thôn để tư vấn trực tiếp; tuyển sinh thông qua cựu học sinh, sinh viên, qua giáo viên, qua trang web và bây giờ là thời của tuyển sinh online. Đặc biệt, “hướng nghiệp trước đào tạo” cho học sinh lớp 9 của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, TP Hồ Chí Minh đang là giải pháp mang lại cho nhà trường những thành công ngoài mong đợi.

Biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất”

Có lẽ, việc các cơ sở GDNN tìm đến các trường cấp II, cấp III để tư vấn tuyển sinh hoặc trực tiếp tham gia hướng dẫn tiết học nghề theo quy định không còn mới mẻ. Song, sau khi kết thúc thời gian học nghề đó, học sinh phải tự tay làm ra được một sản phẩm có giá trị sử dụng thì không phải cơ sở GDNN nào cũng làm được. Đó là mục tiêu và cũng là cách làm của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã chọn, nhằm thu hút học sinh đến với nhà trường.

                                               TS. Bùi Văn Hưng tại buổi tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Phú Yên (người đầu tiên bên trái)

Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là 1.500 học sinh, trong đó, hệ trung cấp 600 em. Đến thời điểm này, Nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu trung cấp; hệ cao đẳng mới đạt khoảng 20% và chủ yếu là đào tạo lại và liên thông. Ngoài ra, hệ sơ cấp đến nay đã vượt chỉ tiêu. Dự kiến, với vài nghìn hồ sơ đang đăng ký qua hệ thống online và qua đường bưu điện, từ nay đến cuối năm nhà trường sẽ tuyển đủ số chỉ tiêu đã đề ra.

Chia sẻ về cách làm này, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TS. Bùi Văn Hưng cho biết, trong chương trình lớp 9, các em có khoảng mấy chục tiết hướng nghiệp. Tận dụng cơ hội này, nhà trường đã phối hợp với các trường cấp II trên địa bàn và sau đó mở rộng ra các tỉnh lân cận tham gia giảng dạy cho các em. Các giáo viên của nhà trường sẽ dành ra 10 tiết để hướng dẫn các em tự chế tác ra một sản phẩm. Đó có thể là son môi, một ly cocktail hay một lọ dầu gió, cao dán; hoặc cũng có thể là một tấm card-visit, logo… Ở mỗi một công đoạn của sản phẩm, học sinh phải chụp ảnh để làm tư liệu thuyết trình khi sản phẩm được hoàn chỉnh. Qua đó, giúp các em có thêm một kỹ năng chụp ảnh và lưu trữ tư liệu.

Điều đáng nói, khi kết thúc khóa hướng nghiệp, sản phẩm của các em sẽ được triển lãm tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II để phụ huynh, học sinh trong, ngoài nhà trường và cả các doanh nghiệp tham quan, chấm điểm. Hình ảnh mô tả sản phẩm của các em sẽ được kết nối lên Facebook của nhà trường… nếu sản phẩm nào nhận được nhiều bình chọn tích cực sẽ nhận được phần thưởng của nhà trường, thậm chí là học bổng do các doanh nghiệp trao. Ngoài ra, nhà trường khuyến khích và kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên, học sinh của nhà trường lan tỏa các hình ảnh, hoạt động của nhà trường thông qua Facebook cá nhân nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo cũng như dự báo xu hướng nghề nghiệp tới phụ huynh và học sinh.

Nhờ cách làm này, năm 2019 nhà trường đã tuyển sinh được 1.800 học viên hệ trung cấp và cao đẳng, tăng 20% so với năm 2018. Riêng tại tỉnh Phú Yên - địa phương lần đầu nhà trường trực tiếp xuống tuyển sinh, đã tuyển được hơn 100 em vào học tại trường.

Tiếp tục dẫn dắt và truyền cảm hứng

Theo TS. Bùi Văn Hưng, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) ở trường phổ thông hướng đến công tác phân luồng học sinh sau trung học, chỉ gắn với khâu chọn nghề, phạm vi diễn ra ở trường phổ thông và đối tượng chủ yếu là học sinh từ THCS đến THPT. Mục tiêu chính là hình thành hứng thú nghề, năng lực nghề và chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm lý đi vào lao động nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo dục GDHN ở trường nghề giúp cho các em chọn được một nghề cụ thể, phù hợp; giúp các em hướng đến quá trình thích ứng nghề. Lúc này, phạm vi hoạt động sẽ diễn ra ở trường dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và đối tượng chủ yếu là thanh niên tự do ở các cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa, học sinh phổ thông, học sinh học nghề; người lao động khi chuyển nghề và đổi nghề.

Do đó, ngay khi học sinh được phân chính thức về lớp, nhà trường sẽ tổ chức cho các em tham gia học tập trực tiếp tại các xưởng; được tiếp xúc với những công nhân lành nghề; mời các thợ giỏi, các công nhân làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, các giáo viên của các nghề có liên quan nói chuyện với các em để các em hiểu rõ nghề hơn. Nhà trường cũng kết nối, đưa những công nhân giỏi làm nhiệm vụ hướng dẫn thực tập tại trường hoặc ở doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin về nghề. Phối hợp với các đơn vị, xí nghiệp - nơi học sinh đến thực tập, để rèn ý thức làm chủ tập thể, tính kỷ luật trong lao động, tác phong công nghiệp cho các em.

Đó là công đoạn của giáo dục hướng nghiệp trong đào tạo. Còn sau đào tạo thì sao? TS. Bùi Văn Hưng không ngại ngần chia sẻ, đây là một công việc khó, đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực rất nhiều trong việc kết nối với các doanh nghiệp, công ty. Theo ông Hưng, việc phân phối học sinh tốt nghiệp như thời bao cấp không còn phù hợp trong cơ chế thị trường. “Vì thế, nếu không tự vận động, tìm kiếm và thắt chặt quan hệ với các doanh nghiệp, nhà trường sẽ khó tồn tại!”.

Theo đó, giai đoạn này, nhà trường sẽ thông tin cho học sinh biết đặc điểm của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là thông tin về chỗ làm việc còn trống và điều kiện làm việc. Phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức tập huấn kỹ năng tìm việc, viết đơn xin việc, thủ thuật trình bày khi tham gia phỏng vấn trước nhà tuyển dụng cho học sinh sắp tốt nghiệp.

Cung cấp cho học sinh những yêu cầu của thị trường lao động về nghề mà các em được đào tạo. Chỉ rõ cho các em thấy được những thiếu hụt trong kiến thức được đào tạo tại trường so với các kiến thức thực tế trong khi hành nghề nhằm chuẩn bị tâm thế thích nghi với nghề nghiệp. Chắc chắn, ở giai đoạn hướng nghiệp sau đào tạo không thể thiếu hoạt động tư vấn tìm kiếm việc làm cho học sinh; định hướng cho các em học tập theo hướng liên thông giữa các cấp trình độ và các bậc đào tạo.

Bình Nhi/daibieunhandan.vn