Featured news - Admissions

News

Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Kỳ 1): Bài 1: “Định vị” trường nghề chất lượng cao

Nhập nội dung bài viết t

Phân tầng chất lượng là một trong những giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Chính phủ đã xác định trong giai đoạn mới, phải xây dựng các trường nghề chất lượng cao với nhiệm vụ đào tạo "đón đầu" nguồn nhân lực này. Sau 5 năm thực hiện Ðề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020", thực tế 45 trường nghề trong danh mục được phê duyệt đang "định vị" mình như thế nào trong phân khúc đào tạo loại hình này?

                                           Giờ thực hành của sinh viên Khoa Động lực, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Cơ sở 3 tại Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc).

Khẳng định thương hiệu nhà trường

Phát triển trường nghề chất lượng cao để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của người lao động và của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Với chủ trương này, Quyết định 761/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-5-2014 phê duyệt Ðề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020" (Ðề án 761) ra đời, trong đó nêu rõ mục tiêu, tiêu chí trường chất lượng cao và các giải pháp thực hiện. 45 trường công lập được lựa chọn để đầu tư trọng điểm với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Ngoài ra, Quyết định cũng không giới hạn các trường khác nếu đáp ứng được tiêu chí thì cũng sẽ được công nhận là trường chất lượng cao.

Là một trong 45 trường được lựa chọn trong phê duyệt "Ðề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020", trong nhiều năm qua, Trường cao đẳng (CÐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội (TP Hà Nội) luôn là địa chỉ tin cậy của học sinh, sinh viên (HSSV) muốn lập nghiệp bằng con đường học nghề. Trường thường xuyên đổi mới công tác tuyển sinh với nhiều giải pháp thu hút người học, chủ động tuyển sinh và đào tạo các nghề mới có nhu cầu sử dụng lao động cao trên địa bàn TP Hà Nội, đồng thời đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì thế, công tác tuyển sinh thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra; dự kiến, quy mô tuyển sinh của trường năm học 2019 lên tới hơn 6.000 sinh viên cho cả ba hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và phấn đấu đạt hơn 7.000 sinh viên vào năm 2020.

Ðể đạt được mục tiêu 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm, Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CÐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Những năm qua, trường thực hiện nhiều giải pháp đi đầu trong đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên, mỗi bài học là công việc, mỗi mô-đun, môn học là một sản phẩm, học lý thuyết gắn liền với thực hành, thực tế; nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất, làm ra sản phẩm để nâng cao kỹ năng thực hành nghề, rèn luyện tay nghề cho HSSV... Kết quả, sinh viên có việc làm sau sáu tháng ra trường đạt tỷ lệ hơn 96%. Một số nghề, như: điện, điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, chăm sóc sắc đẹp…, 100% số sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp, không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm học 2018-2019, nhà trường thực hiện chủ trương "Tuyển sinh là tuyển dụng", ký hợp đồng đào tạo với từng sinh viên bảo đảm 100% số sinh viên khi ra trường đạt chuẩn "đầu ra" (gồm các chuẩn kỹ năng nghề, trình độ Tin học quốc tế, tiếng Anh, kỹ năng mềm, an toàn lao động), bảo đảm sinh viên có việc làm và có thể tự tạo việc làm với thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng/tháng.

Cam kết không có việc làm sau tốt nghiệp, nhà trường trả lại học phí, tuyển sinh gắn liền tuyển dụng… cũng là cách thức mà Trường CÐ Cơ điện Hà Nội (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện trong nhiều năm qua. Khái niệm "định vị" được Hiệu trưởng Trường CÐ Cơ điện Hà Nội Ðồng Văn Ngọc nhắc tới nhiều lần trong cuộc trò chuyện. Theo Hiệu trưởng Ðồng Văn Ngọc, đến thời điểm này, nhà trường đã "định vị" cho mình một thương hiệu trong môi trường đào tạo GDNN tại Việt Nam, đặc biệt là thị phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và bước đầu lan tỏa được thương hiệu ra quốc tế. Ðiều đó thể hiện khi trường luôn nằm trong tốp đầu về các chỉ số tuyển sinh đầu vào. Năm 2018, quy mô tuyển sinh nhà trường lên tới hơn 4.500 sinh viên cho 22 ngành, nghề; trong đó có bảy nghề cấp độ quốc tế. Thống kê cho thấy, nguồn sinh viên của nhà trường đến từ 33 tỉnh, thành phố trong cả nước, trải khắp các tỉnh miền bắc và vào tới miền trung; một phần năm số tân HSSV tuyển mới năm 2018 là do các anh, chị, người thân học trước giới thiệu… Hằng năm, sinh viên của trường tham dự các kỳ thi tay nghề quốc gia, kỳ thi tay nghề ASEAN, kỳ thi tay nghề thế giới, đều đạt huy chương và chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc…, đã khẳng định "thương hiệu" đào tạo chất lượng và hiệu quả của nhà trường.

Ðây cũng là trường đầu tiên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ-TB và XH), Tổng cục GDNN phối hợp Hội đồng Anh chọn thí điểm kiểm định chất lượng nhà trường theo tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo của Vương quốc Anh. Theo kết quả đánh giá, kiểm định trên bốn nhóm tiêu chí (Hiệu quả của lãnh đạo, quản lý; Chất lượng dạy và học; Phát triển cá nhân, hành vi và phúc lợi xã hội; Kết quả người học) của Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục Vương quốc Anh (OSTED) Trường CÐ Cơ điện Hà Nội có ba tiêu chí đạt loại tốt, riêng tiêu chí Hiệu quả của lãnh đạo, quản lý đạt loại xuất sắc… qua đó cho thấy "thương hiệu" của nhà trường đã được quốc tế công nhận.

Tiếp cận mô hình đào tạo quốc tế

Trường chất lượng cao phải đào tạo chất lượng cao - đây cũng chính là nhiệm vụ được đặt ra yêu cầu các nhà trường phải đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia và nghề trọng điểm quốc tế. Ðây cũng là chủ trương và định hướng phát triển GDNN tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế của Bộ LÐ-TB và XH, Tổng cục GDNN, giúp định hướng tốt về nguồn nhân lực tương lai, cũng như tiệm cận với tiêu chuẩn đào tạo nghề của thế giới.

Thực hiện Ðề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015" (Ðề án 371), hiện các trường đã tiếp nhận chuyển giao đồng bộ 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế, từ Ô-xtrây-li-a là 12 nghề và từ Ðức 22 nghề. Thí điểm tổ chức đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng (một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng nghề quốc tế của Ô-xtrây-li-a hoặc Ðức). Ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, người học sau tốt nghiệp còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất là đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế, hoặc có thể học liên thông lên trình độ cao hơn tại Ô-xtrây-li-a, Ðức hoặc các quốc gia tiên tiến khác.

Hiện, Tổng cục GDNN đang kết nối với các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a và Ðức để xác định việc làm cho các học sinh được đào tạo thí điểm. Dự kiến ngay sau khi kết thúc thí điểm (chương trình của Ô-xtrây-li-a cuối năm 2019 và chương trình của Ðức vào cuối năm 2022), Bộ LÐ-TB và XH sẽ đánh giá và nhân rộng cho toàn bộ hệ thống và khi đó, chúng ta cũng đã có được những chương trình đào tạo (kế hoạch đào tạo; công nghệ đào tạo; danh mục thiết bị; nội dung, cách thức kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng quốc tế) và những cơ sở đào tạo có đủ năng lực về quản trị, bảo đảm chất lượng và đội ngũ nhà giáo để triển khai các chương trình được quốc tế công nhận, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và cơ hội việc làm cho sinh viên trên thị trường lao động quốc tế. Em Nguyễn Phương Hoa, sinh viên năm thứ 2 Khoa Quản trị lữ hành quốc tế chuyển giao chuyên ngành của Ô-xtrây-li-a (Trường CÐ Du lịch Hải Phòng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, hiện em đang trong thời gian thực tập tại Công ty du lịch Vietrantour (chi nhánh Hải Phòng) để hoàn thành chương trình học năm cuối của mình. Việc học chương trình đào tạo quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh, hơn 70% thời lượng là thực hành và thực tập tại doanh nghiệp theo chương trình chuyển giao của Ô-xtrây-li-a, đã giúp em rất thuận lợi trong việc tiếp xúc thực tế công việc tại doanh nghiệp về lữ hành quốc tế.

Trao đổi thêm về những mô hình đào tạo mới, Phó Hiệu trưởng Trường CÐ Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Hải Hòa cho biết: Ðây là chương trình chuyển giao rất toàn diện, theo đó không chỉ chuyển giao giáo trình đào tạo, bộ chương trình còn chuyển giao hệ thống đánh giá, về tiêu chí đánh giá người học, bài kiểm tra lý thuyết, thực hành, hay bài viết báo cáo... Ðể nhận chuyển giao chương trình đào tạo cấp độ quốc tế, nhà trường thực hiện đào tạo thí điểm sẽ phải đáp ứng đủ năng lực giáo viên và cơ sở vật chất đạt yêu cầu chương trình đào tạo từ phía Ô-xtrây-li-a đặt ra… Chương trình chú trọng việc đào tạo lý thuyết song hành với thực hành; hướng dẫn cụ thể cách tổ chức thực hành cho giáo viên và sinh viên tại nhà trường, tại xưởng, tại điểm thực tế, tại doanh nghiệp…

Ðể đào tạo đúng là "chất lượng cao"

Sau 5 năm triển khai Ðề án 761, diện mạo của 45 trường được đầu tư trọng điểm đã có những thay đổi rõ rệt, nhiều trường có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, như: quy mô tuyển sinh, về phát triển trình độ giáo viên, quản trị nhà trường, cơ sở vật chất thiết bị… Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trong số 45 trường này vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh; chất lượng, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực tay nghề cao; việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo vẫn còn hạn chế… Như quan điểm của Hiệu trưởng Ðồng Văn Ngọc "đã là trường nghề chất lượng cao thì từ "đầu vào" cũng phải chất lượng cao, nhưng một số trường vẫn loay hoay tuyển sinh với nguồn đối tượng là học sinh lớp 9. Các em vào học, khẳng định là các em vẫn thành nghề, nhưng chất lượng cao hay không, thì rất khó có thể đạt được mục tiêu"… Nhất là, việc chưa có trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả các nghề, cho nên các trường chưa có cơ sở để đánh giá trình độ HSSV sau đào tạo, khó khăn trong việc đánh giá đào tạo chất lượng cao.

Và mặc dù được đầu tư trọng điểm, nhưng không ít trường biết cách nắm bắt và tận dụng cơ hội phát triển đó. Thứ trưởng LÐ-TB và XH Lê Quân thẳng thắn nhận xét: Vẫn còn một số trường chưa xác định được rõ trách nhiệm và vai trò của mình để nỗ lực, tập trung nguồn lực nhằm đạt được tiêu chí trường chất lượng cao và chủ động áp dụng những thành quả cho toàn bộ các ngành, nghề đào tạo của trường. Vẫn có "tư tưởng" trong giai đoạn này chỉ ghi danh là trường chất lượng cao để được đầu tư nhiều hơn và chỉ chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, chưa quan tâm nhiều tới các yếu tố khác như quản trị, công nghệ thông tin, phối hợp doanh nghiệp mang tính chất tạo sự phát triển bền vững cho nhà trường…

Ðề án 761 đã đi vào giai đoạn cuối. Với tính chất "cốt lõi" là đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nhân lực kỹ thuật có trình độ tay nghề cao… cho thấy, Ðề án cần được đánh giá đúng thời hạn, công khai và minh bạch hiệu quả của Ðề án, trách nhiệm của các trường khi tham gia và đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các trường. Từ đó, có cái nhìn tổng thể trong việc phát triển các trường chất lượng cao trước yêu cầu đào tạo nguồn lao động chất lượng cho đất nước.

Kết quả tuyển sinh vào GDNN của cả nước trong 5 năm (giai đoạn 2014-2018) đạt gần 8,8 triệu người, tính trung bình mỗi năm cả nước tuyển sinh được hơn hai triệu người. Trong đó, kết quả tuyển sinh (giai đoạn 2015-2018) tại 45 trường được lựa chọn đầu tư là: 640.082 người, trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là: 203.692 người; sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng là: 436.390 người.

 

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NHẬT ANH