Featured news - Admissions

News

Nhân lực - yếu tố đưa Quảng Nam bứt phá mạnh mẽ

 Thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá mà Quảng Nam xác định ngay từ khi bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương sau chiến tranh. Qua 44 năm giải phóng, người dân xứ Quảng có quyền tự hào về phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu kinh tế mở Chu Lai… - những biểu tượng sức mạnh kinh tế, văn hóa, du lịch này đang lan tỏa và là tiền đề cho việc xây dựng Quảng Nam thành cực tăng trưởng mới của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Miền cát trắng đã hồi sinh

“Quê ta đất cát phì nhiêu
Gà con mang dép, 4 giờ chiều còn mang”

Chắc hẳn, những ai yêu xứ Quảng sẽ hiểu được đầy đủ nội hàm của câu ca dao trên. Chuyện kể rằng, vì vùng đất này thường là đất cát, nên khi nắng nóng liên tục sẽ làm cho nền nhiệt dưới mặt đất tăng lên gấp bội. Cây cối, hoa màu, vật nuôi, vì thế rất khó sinh trưởng. Bởi vậy, người nông dân ở đây đã nghĩ ra cách cắt những mảnh xốp theo hình bàn chân của những con gà và cột dây cố định để gà không tiếp xúc trực tiếp xuống đất, tránh bệnh tật... Tuy nhiên, đằng sau ý tứ thể hiện nỗ lực chế ngự thiên nhiên ấy, là hình ảnh rất đỗi thân thương về người dân Quảng tần tảo, yêu lao động, chịu thương chịu khó và luôn năng động, sáng tạo.

Điểm lại một chút tích xưa để thấy, không phải ngẫu nhiên, vùng cát trắng với đầy thương tích chiến tranh; một vùng đất nghèo nhất nước, hệ thống kết cấu hạ tầng tạm bợ; năm 1997, thu ngân sách chưa đầy 130 tỷ đồng... Ðến nay, sau 44 năm giải phóng và 22 năm tái lập tỉnh, nguồn thu này đã vượt con số 20 nghìn tỷ đồng và đưa Quảng Nam trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương.


Phần lớn thời gian học tập, các học viên được thực hành ngay trên các dây chuyền hiện đại của doanh nghiệp 
Ảnh: Đức Kiên

Nền công nghiệp từ chỗ trống rỗng, nay Quảng Nam có Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế với những thương hiệu nổi tiếng như Thaco Trường Hải. Hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch không chỉ của Việt Nam, mà lan tỏa rộng rãi trên thị trường du lịch thế giới, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Nông nghiệp cũng chuyển mình mạnh mẽ; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng cao; giá trị thu nhập sản phẩm trên 1ha đất canh tác đã đạt trên 80 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 60 triệu đồng/năm.

Đi lên bằng cơ chế và đầu tư nhân lực

Quảng Nam vươn ra biển lớn không phải bằng tiền, mà bằng chính sự đồng thuận của nhân dân và đặc biệt là cơ chế chính sách! Đây là một trong những lý do khiến Quảng Nam trỗi dậy mau chóng; được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tiết lộ.

Quả thật, với hàng loạt cơ chế thu hút đầu tư, trọng dụng nhân tài, giải quyết việc làm, phát triển giao thông nông thôn, phát triển miền núi… đã tạo sức mạnh vật chất, tinh thần để Quảng Nam đi lên. Từ cơ chế, Quảng Nam có KKTM Chu Lai với 158 dự án được cấp phép; tổng vốn đăng ký 94.000 tỷ đồng và đã có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ chế và sự đầu tư nhân lực cũng đã đưa Quảng Nam từ tỉnh thuần nông, không có công nhân nay đã phát triển lên 300 nghìn công nhân, chưa kể các thành phần kinh tế khác. Để từ đó, biến nhiều vùng quê nghèo trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, như Núi Thành, Tam Kỳ và Thăng Bình chẳng hạn! Mấy ai nghĩ, 16 năm trước, ở mảnh đất trận đầu đánh Mỹ với cát trắng mênh mông, dây thép gai, bom mìn nằm ở khắp nơi, lại có thể thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu cả nước như Chu Lai. Sau chừng ấy thời gian, các khu chức năng trong KKTM đã được triển khai đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển; hạ tầng các KCN đã được đầu tư; thu hút nhiều dự án lớn.

Kinh tế trên địa bàn KKTM Chu Lai chiếm tỷ trọng 56% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; thu ngân sách nhà nước chiếm trên 75% tổng thu ngân sách; giải quyết việc làm trên 30.000 lao động; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong KKTM xuống dưới 3%. Tới đây, KKTM Chu Lai có thêm KCN nông - lâm nghiệp, chắc chắn sẽ giúp Quảng Nam tạo ra đột phá lớn về năng suất và giá trị sản xuất; từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực và căn bản nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của người dân.

Hay nhỏ hơn như Phú Ninh, một huyện “trẻ”, được tách ra từ thành phố Tam Kỳ năm 2005, ngày mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 3,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trên 23%. Nay huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 3,16%.

Trọng tâm là nguồn lực lao động

Đến Quảng Nam bây giờ sẽ thấy, sức trẻ từ các khu, cụm công nghiệp. Người trẻ xứ Quảng không phải tha phương tìm kế mưu sinh. Người già có thể ung dung an hưởng cuộc sống thanh bình và trở thành hậu phương vững chắc cho con cháu yên tâm cống hiến. Tuy nhiên, với Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam, con đường trở thành cực tăng trưởng mới, đầu tàu cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đòi hỏi họ phải toàn tâm, toàn lực, bứt phá hơn nữa.

Để thực hiện được mục tiêu mới, Quảng Nam một lần nữa lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là một trong ba trụ cột chính cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thùy, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết riêng, quy định các chính sách hỗ trợ, đào tạo lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người học. Đáng chú ý, ngoài việc đào tạo phải gắn với việc làm; gắn với yêu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp thì Quảng Nam có chính sách hỗ trợ đào tạo cho tất cả những ai đang trong độ tuổi lao động, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền - điều chưa nhiều địa phương làm được.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương, Quảng Nam cũng có những chính sách hỗ trợ riêng để bà con yên tâm khi cho con em mình theo học tại các trường nghề. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, có việc làm, con em đồng bào dân tộc còn được hỗ trợ 2 năm tiền nhà ở và đồ dùng thiết yếu khác. “Mọi cơ chế, chính sách đều hướng đến người dân. Chúng tôi tin, cách làm này sẽ tạo cho Quảng Nam, thậm chí là các vùng lân cận một lực lượng lao động có kỹ năng, đủ trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển” - Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thùy khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh: Ban hành cơ chế, chính sách đào tạo nghề

Trước tiên phải khẳng định, trong thành công của Quảng Nam hôm nay, có đóng góp lớn của đội ngũ người lao động. Số lượng được đào tạo ra ngày càng tăng và cơ bản đều có việc làm tại các doanh nghiệp với mức lương khá cao và ổn định. Nhờ đó, năm 2018 giảm hơn 6,7 nghìn hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Với chiến lược phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Nam tiếp tục coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là một trong ba đột phá của địa phương. Do đó, tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25.4.2017, trong đó đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên thực tế, nguồn cung và nguồn cầu lao động của Quảng Nam rất dồi dào. Nếu việc phân luồng thành công (theo mục tiêu đặt ra cho năm 2018 và 2019, mỗi năm là 15% số học sinh tốt nghiệp THCS sang học nghề) thì Quảng Nam có ít nhất 7 nghìn em tốt nghiệp cấp II chuyển sang học nghề. Con số này hoàn toàn có cơ hội làm việc ngay tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc phân luồng, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân Quảng Nam đang trong tuổi lao động; bảo đảm, khi tốt nghiệp tất cả đều có việc làm, hoặc tự tạo được việc làm… Đối với đồng bào dân tộc thì sau khi có việc làm, sẽ được hỗ trợ thêm tiền để thuê nhà trong vòng 2 năm; hỗ trợ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu khác… kể từ ngày được doanh nghiệp tiếp nhận.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25.4.2017 đã đề ra, ngoài việc phải quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh về một đầu mối thì đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp chính quyền, nhất là những cán bộ làm việc trực tiếp với dân, làm thế nào để phụ huynh, học sinh tin tưởng, hiểu rõ lợi thế của việc học nghề và đưa ra lựa chọn phù hợp cho con em mình. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo, tận dụng triệt để môi trường doanh nghiệp để học sinh có cơ hội trải nghiệm trên các dây chuyền, thiết bị hiện đại. Và đương nhiên, trong chuỗi này nhất định không thể thiếu doanh nghiệp - những người giải bài toán đầu ra cho lao động!

                                                                                                                                                                                                                          Bình Nhi ghi