Featured news - Admissions

News

Bến Tre: Hơn 90% sinh viên có việc làm ổn định sau đào tạo

Năm 2018, công tác đào tạo nghề tỉnh Bến Tre đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ cao

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, bình quân hàng năm số lao động bước vào độ tuổi lao động khoảng 19.000 người, trong đó số người có nhu cầu làm việc khoảng 6.500 người gồm: bộ đội xuất ngũ, sinh viên ra trường, lao động thất nghiệp các năm trước chuyển sang và học sinh phổ thông bỏ học. Được biết, hàng năm, tỉnh có khoảng 6.000-7.000 lao động xuất cư, đông nhất là số sinh viên ra trường kiếm việc làm ngoài tỉnh, tập trung ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, phân tích số liệu từ niên giám thống kê về thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, lao động nông nghiệp thực tế có chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ nhưng chủ yếu là đi làm việc ngoài tỉnh. Đây cũng là đặc điểm của lao động tỉnh từ nhiều năm qua. Số lao động này đã góp phần tăng thu hập của các hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Từ những góc độ nói trên, có thể khẳng định, trong thời gian tới, ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong tỉnh phát triển mạnh thì tình hình xuất cư lao động của tỉnh sẽ giảm dần, kéo theo nhu cầu đào tạo trong tỉnh ngày càng tăng, vì thế đào tạo phải gắn với nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Năm 2018, có 90% học sinh trình độ cao đẳng và trung cấp thi đạt tốt nghiệp, đối với sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên, tỷ lệ học viên tốt nghiệp đạt trên 95%. Sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 80%. Một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm đạt 100% sau 3 tháng tốt nghiệp như nghề Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại.

 

Bến Tre: Hơn 90% sinh viên có việc làm ổn định sau đào tạo - Ảnh 1

                                                                                                      Hơn 80% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp

Nhìn chung, qua kết quả đào tạo nghề cho thấy, có trên 80% lao động được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, tự tạo việc làm hoặc áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào điều kiện sản xuất tại hộ gia đình.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 15 cơ sở công lập và 7 cơ sở  thuộc doanh nghiệp và tư thục góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Giai đoạn 2018-2020: Đào tạo 30.000 người

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2018, năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ là 11.000 người, trong đó: cao đẳng là 800 người; trung cấp là 2.100 người; sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 8.100 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 29%.

Đối với giai đoạn 2018-2020, kế hoạch đào tạo cho 30.000 người. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-65% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 30%. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% - 90%, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 45 % - 50%.  

Để thực hiện thành công những chỉ tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về giáo dục nghề nghiệp, làm chuyển biến thực sự nhận thức của người dân trong việc học nghề và việc làm sau đào tạo. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực-một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh và đổi mới chương trình học, giáo trình, biên soạn chương trình đào tạo mới phù hợp với tiến bộ của khoa học - công nghệ, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và gắn với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của  địa phương. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo ở các cấp trình độ; trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo cho người học sơ cấp thực hiện được các công việc của nghề đã học để khi tốt nghiệp có khả năng tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm.

Tổ chức lại và củng cố trường Cao đẳng Bến Tre theo hướng đa ngành, đa cấp trình độ. Tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo yêu cầu về nhân lực của địa phương như: Điều dưỡng, Dược, Chế biến và bảo quản thủy sản, Chăn nuôi thú y, Điện - Điện tử, Du lịch, Cơ khí cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy tính, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Quản trị khách sạn. Nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận khoa học, công nghệ trình độ khu vực Asean.

Đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú. Tập trung các chức năng tư vấn hướng nghiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động.  

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo, ngành nghề đào tạo phải gắn với phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh. Đảm bảo từ 80% trở lên người lao động có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Kết hợp đào tạo nghề với xuất khẩu lao động.

Có kế hoạch định hướng phân luồng học sinh trên cơ sở tổ chức rà soát số học sinh không tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không vào học THPT, tích cực tư vấn, động viên các em vào học các trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp đa dạng, phục vụ cho nhu cầu học tập của người lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ các làng nghề truyền thống, kết hợp đào tạo với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để thu hút lao động tham gia học nghề gắn với nhu cầu giải quyết việc làm sau đào tạo.

                                                                                                                                                                                                                                                PHA LÊ/Baodansinh.vn