Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Hơn 4.000 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư cho các trường nghề: Nguồn lực lớn cho phát triển giáo dục nghề nghiệp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, qua Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động, ngân sách trung ương đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành, nghề trọng điểm tại các trường 4.030 tỷ đồng.

Cơ sở vật chất của các trường nghề được cải thiện nhờ vốn mục tiêu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp.

                                                                 Cơ sở vật chất của các trường nghề được cải thiện nhờ vốn mục tiêu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp.

300 trường nghề đã được đầu tư kinh phí

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTB&XH) cho biết, số kinh phí này chiếm 60% kinh phí đã bố trí cho dự án. Đây là một nguồn lực hỗ trợ rất quan trọng cho các cơ sở GDNN trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho lĩnh vực GDNN còn hạn hẹp. Nguồn kinh phí này được đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm đã được lựa chọn tại các trường. Trong đó, ưu tiên các trường có năng lực đào tạo và tuyển sinh tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao được đề xuất hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo để được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao; trường ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa phương chưa tự cân đối ngân sách....

Đến nay, cả nước có gần 300 trường đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm từ nguồn kinh phí nêu trên. Qua đó, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, trong đó đối với một số nghề, trên 80% thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh theo danh mục thiết bị đào tạo, đảm bảo tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu số giờ thực hành, thực tập theo quy định. Đặc biệt là những trường được lựa chọn đầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN tham gia đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình được chuyển giao từ nước ngoài (12 nghề chuyển giao từ Úc và 22 nghề chuyển giao từ Đức).

Bên cạnh việc đầu tư tập trung đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, thông qua các hoạt động khác của dự án đã giúp tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo (chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo; hệ thống các chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực GDNN; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý...), qua đó chất lượng và hiệu quả GDNN có chuyển biến tích cực.

Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên, nhất là ở các chương trình chất lượng cao, người học vừa có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, vừa có kỹ năng ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước (các doanh nghiệp FDI) và cho thị trường lao động ngoài nước. Trên 75% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt trên 90%. 

Theo kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm (kết quả khảo sát tại 2.735 doanh nghiệp, ở 34 tỉnh/thành phố), doanh nghiệp đang sử dụng 130.120 lao động qua đào tạo các nghề trọng điểm (chiếm 36,6% trong tổng số lao động); nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2021 tăng lên 196.646 người (tăng 51%). Qua đó, có thể thấy nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực qua đào tạo của các ngành/nghề trọng điểm hiện nay là rất lớn. Nhiều trường đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng trong đào tạo các ngành/nghề trọng điểm đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rất mong muốn tiếp nhận những học sinh, sinh viên ra trường có thể làm việc được luôn (đáp ứng cả về số lượng và chất lượng) để giảm chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp.

Ban hành bộ chỉ số đánh giá

Bà Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, song song với việc triển khai các hoạt động của dự án, Tổng cục GDNN xác định việc giám sát và đánh giá trong đầu tư cũng rất quan trọng. Tổng cục GDNN đã tham mưu, trình Bộ LĐTB&XH ban hành bộ chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá dự án. Bộ chỉ số được xây dựng gồm: Chỉ số “đầu vào” dùng để đo lường nguồn lực cụ thể để thực hiện mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ số “đầu ra” để đo lường kết quả trung gian đạt được thông qua dự án như số lượng máy móc, thiết bị đào tạo được đầu tư; số lượng chương trình, giáo trình được xây dựng; số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng… đây là những thước đo có thể lượng hoá được phản ánh thành công cốt yếu của nhà trường (ở đây là những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo).

Chỉ số “kết quả” để đo lường những kết quả thay đổi về chất lượng đào tạo (như kết quả tuyển sinh; tỷ lệ tốt nghiệp; tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp; kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDNN… theo từng trường, từng nghề trọng điểm đã được lựa chọn). Đây là những chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) quan trọng nhất, phản ánh được mục tiêu và sứ mệnh của các trường.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, do các bộ, ngành, địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên với chức năng là cơ quan quản lý dự án, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN được thụ hưởng nguồn vốn nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý dự án; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý dự án; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.

Kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm (kết quả khảo sát tại 2.735 doanh nghiệp, ở 34 tỉnh/thành phố), doanh nghiệp đang sử dụng 130.120 lao động qua đào tạo các nghề trọng điểm (chiếm 36,6% trong tổng số lao động); nhu cầu trong giai đoạn 2019 - 2021 tăng lên 196.646 người (tăng 51%). Nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực qua đào tạo của các ngành/nghề trọng điểm hiện nay là rất lớn.

Bùi Tư/thoibaotaichinhvietnam.vn