Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Những điểm nhấn trong một thập kỷ đào tạo nghề lao động nông thôn

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách nay 10 năm. Triển khai Đề án, cơ quan chức năng hy vọng bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động.

 

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách nay 10 năm. Triển khai Đề án, cơ quan chức năng hy vọng bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động; chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo, sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và thị trường; gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Chúng ta đang ở những tháng cuối thực hiện các mục tiêu của Đề án này. Hãy cùng ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhìn lại hoạt động này gần một thập kỷ qua: Những điểm sáng cần nhân rộng và những bất cập cần sửa đổi trong thời gian tới, để hiệu quả ngày càng thực chất.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần linh hoạt theo thực tiễn. (ảnh: báo Hà Nội mới)

 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần linh hoạt theo thực tiễn. (ảnh: báo Hà Nội mới)

 

PV: Thưa ông, Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đâu là những điểm sáng và đâu là những bất cập sau 10 năm thực hiện Đề án 1956?

Ông Đỗ Năng Khánh: Tháng 12 tới chúng tôi sẽ tiến hành tổng kết Đề án 1956, nhưng qua báo cáo của các bộ, ngành, đoàn thể và 63 tỉnh thành. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được khá nhiều sơ bộ đánh giá, mục tiêu của Đề án 1956 đã đạt được, (mục tiêu là 1.000.000 lao động qua đào tạo, trong đó có 800.000 là đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, và có việc làm khoảng 80% thì đã đạt tới 81%). Có thể nói những mục tiêu chính của Đề án 1956 đã đạt được, rất thành công. Trong giai đoạn tới, chúng tôi cũng sẽ có hướng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của Đề án và chú trọng khắc phục những hạn chế trong quá trình đánh giá một thập kỷ qua của đề án.

Một số ví dụ như trong Đề án 1956, mặc dù chúng tôi đã chú ý đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và Tây Nguyên nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đối với những vùng này chúng tôi cùng cũng nhận thấy được rằng, do những đặc tính của những điều kiện kinh tế xã hội. Nếu những quy định chung cũng khó đáp ứng được vùng đó. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng thiết kế thành hai tiểu dự án. Một là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chúng tôi thiết kế một dự án về đào tạo nghề riêng nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ hai là tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi thiết kế và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Trong đó, chúng tôi sẽ phân tầng và phân loại từng nhóm, đặc biệt chú ý đến nông nghiệp công nghệ cao, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được áp dụng trong các tiểu dự án này, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy.

PV: Những bất cập vừa rồi theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là từ nguyên nhân nào, tức là từ phía người học họ tiếp cận chưa chuẩn hay là mình chọn ngành nghề chưa phù hợp hay là sự kết hợp giữa các bên chưa hiệu quả?

Ông Đỗ Năng Khánh: Thực ra có rất nhiều lý do, mỗi lý do một chút nhưng nếu đánh giá tổng thể thì những quy định chung của pháp luật cũng như về điều hành nó vẫn phải mang tính phổ quát, mang tính đại diện chứ không thể đi vào cá thể được. Chỉ có điều cần tính tới giao quyền tự chủ cho các địa phương nhiều hơn để họ chủ động làm sao đáp ứng được những tính đặc thù vùng miền chứ không thể nào dạy 1 nghề cho tất cả 63 tỉnh thành, cũng không thể cho các vùng đô thị, các vùng dân tộc, miền núi. Điều đó chúng tôi sẽ chú trọng. Mặc dù đã có quy định rồi nhưng bản thân các địa phương họ vẫn phụ thuộc và trông chờ vào Trung ương.

Ví dụ những cái chúng tôi quyết định giao cho địa phương họ vẫn chưa làm được như: Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng. Đó là nhiệm vụ của các địa phương nhưng rất ít địa phương làm được họ vẫn trông chờ vào chúng tôi quyết định xong họ mới thực hiện. Hay việc xây dựng chuẩn đầu ra, giao cho địa phương mà nghề nào phổ thông thì tùy từng địa phương nhưng họ vẫn không làm được. Những việc đó, sắp tới chúng tôi sẽ có tính đến tập huấn về phương pháp, cách xây dựng, định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng, chuẩn đầu ra như thế nào để cho các địa phương họ phải chủ động: họ định phát triển những cái gì, ở những vùng nào thì họ sẽ đào tạo tập trung. Chúng tôi chỉ hỗ trợ, hướng dẫn để tập trung vào làm sao đáp ứng được nhu cầu của từng vùng, miền, từng địa phương cụ thể.

PV: Tính chủ động ở trong nhóm đối tượng được hưởng lợi từ Đề án 1956 theo ông có điều gì cần đặc biệt chú ý?

Ông Đỗ Năng Khánh: Chính quyền ,toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc là điều đáng được ghi nhận, nhưng có một điều nữa chúng ta cũng thấy rằng tính chủ động của bản thân người dân. Điều đó phụ thuộc vào công tác truyền thông, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tất nhiên trong 10 năm qua đã có sự thay đổi rất tích cực nhưng cần phải tiếp tục nữa để họ nhận thức được thay đổi. Khi họ được đào tạo nghề thì thu nhập từ công việc của họ mang tính bền vững chứ hiện nay cũng có một thực tế họ bảo họ chẳng cần phải học gì cả.

Ví dụ như anh đi làm xe ôm chẳng hạn, họ thu nhập tốt hơn là ông đã qua đào tạo. Thực tế có những chuyện như vậy nhưng nhìn về lâu dài thì thứ nhất làm xe ôm họ phải có sức khỏe. Thứ hai là trong giai đoạn hiện nay có thể như vậy, nhưng một thời gian nữa nếu như cấm xe máy chẳng hạn ở khu đô thị con cái họ sống bằng nghề gì. Họ phải nghĩ đến việc họ phải có một cái nghề. Điều đó thì phải truyền thông thay đổi nhận thức. Đồng thời, các chính quyền các cấp cũng phải tích cực hỗ trợ họ. Với một lực lượng trẻ đi làm những việc như thế giá trị gia tăng cho xã hội rất hạn chế. Họ cần phải được đào tạo nghề để giá trị xã hội sẽ nâng lên.

PV: Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua bản thân ông cho rằng mình đã thực hiện được tới đâu và vấn đề hiện nay đang nằm ở giáo viên họ chưa tiếp cận được với 4.0 để đào tạo truyền đạt lại hay là phương tiện để giảng dạy chưa được chính quyền quan tâm đúng mức?

Ông Đỗ Năng Khánh: Thực ra phải nói rằng áp dụng tốt nghiệp 4.0 trong giáo dục nghề thì về mặt chủ trương văn bản có rất nhiều rồi. Những cơ sở, trường lớp dễ hơn. Đặc biệt vừa rồi sau đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ đã được thúc đẩy rất mạnh mẽ, bởi vì từ nhu cầu khách quan ấy buộc họ phải thay đổi. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ cũng không phải dễ dàng gì, ngay cả các thầy cô trong trường cao đẳng, trung cấp chứ chưa nói các vùng nông thôn. Chúng tôi có chủ trương xây dựng một chương trình đào tạo cho những người đào tạo trong các doanh nghiệp để đẩy mạnh việc này. Các doanh nghiệp họ sẽ xuống các vùng nông thôn cùng với chúng tôi họ sẽ đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ cũng như là đào tạo có việc làm và quan trọng nhất những người doanh nghiệp họ có thiết bị. Họ có kỹ năng nhưng họ chỉ thiếu kỹ năng về đào tạo. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những khóa đào tạo về kỹ năng dạy nghề cho các vùng nông thôn. Chúng tôi sẽ huy động lực lượng đó và hy vọng trong giai đoạn tới thì tỉ lệ lao động qua đào tạo lao động nông thôn theo Đề án 1956 sẽ tăng lên.

PV: Thế còn trang thiết bị để giảng dạy cho 4.0 thì sao?

Ông Đỗ Năng Khánh: Về trang thiết bị cũng có nhiều vấn đề đặt ra ở đây. Đầu tiên đòi hỏi thêm kinh phí. Đối với ngành giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi kinh phí rất lớn để mua sắm thiết bị. Có thể nói dạy nghề giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp. Thiết bị đào tạo có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đào tạo nghề cho lao động nông thôn không cần thiết bị hiện đại, như thế là không đúng. Tuy nhiên nếu chúng ta dàn trải đầu tư  không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Vì vậy, chúng tôi sẽ dựa vào các doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp họ đã có những thiết bị luôn, khi họ xuống đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thiết bị của doanh nghiệp cùng với những thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của chúng tôi ở địa phương sẽ giúp cho người học có được thực tế thực hành những công việc, từ đó tay nghề của lao động sẽ được nâng lên, đáp ứng được thị trường lao động./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Thu Trang/VOV1 (thực hiện)