Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Bắc Giang: Tiếp tục tuyển sinh, đào tạo văn hóa, dạy nghề theo mô hình 9+

Em Hà Thị Thắm (SN 2003) ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) hiện là học sinh lớp 12A3, Trung tâm Giáo dục THPT thuộc Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang cho biết: "Cách đây 3 năm, khi tốt nghiệp THCS, em được thầy cô tư vấn và quyết định chọn hình thức học văn hóa cấp THPT và học nghề. Sau 3 năm học, em có cả bằng THPT và bằng trung cấp nghề để đi làm ngay tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh". Nguyện vọng này của Thắm cũng là mong muốn chung của gần 1,7 nghìn học sinh đang học mô hình đào tạo nghề 9+ tại đây. 

Tham gia đào tạo theo mô hình này, học viên tiết kiệm được thời gian học tập, miễn chi phí học nghề. Các em có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với học sinh lớp 12 các trường THPT trong tỉnh để lấy kết quả dự tuyển vào các trường chuyên nghiệp theo nguyện vọng. Vì vậy, tại tỉnh Bắc Giang, những năm gần đây, xu hướng chọn mô hình đào tạo nghề 9+ sau tốt nghiệp THCS được nhiều học sinh tham gia. 

Học viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang. Ảnh: Đỗ Quyên.

Học viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang. Ảnh: Đỗ Quyên.

Theo Sở GD&ĐT, số lượng học viên học văn hóa và học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc đơn vị quản lý tăng. Nếu như năm học 2016-2017, toàn tỉnh có hơn 4,6 nghìn học viên thì đến năm học 2019-2020 con số này tăng lên là 5,6 nghìn. Tỷ lệ học viên có bằng trung cấp nghề sau tốt nghiệp THPT tăng từ 95,8% lên 97,7%. Năm học này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Bắc Giang có hơn 8,3 nghìn học sinh học văn hóa kết hợp học nghề (bao gồm cả Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, Bộ Công Thương). 

Đánh giá của cơ quan chức năng, từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư và xã hội hóa, trang thiết bị dạy học văn hóa và đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ. 

Tại Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế, sau khi sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - dạy nghề huyện vào, đơn vị đã được mở rộng thêm khuôn viên; khu lớp học văn hóa, nhà xưởng thực hành, khu ký túc xá, nhà ăn khang trang, đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang có 2 cơ sở, đào tạo hơn 5 nghìn học viên, sinh viên, trong số này có gần 1,7 nghìn học viên học văn hóa và học nghề hệ trung cấp theo mô hình đào tạo nghề 9+ với các nghề như: Điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô... Nhà trường cũng coi trọng hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, tăng thời gian thực hành nghề tại nhà xưởng và trong các doanh nghiệp. 

Giáo viên Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 tại Trường THCS Phồn Xương. Ảnh: Mai Toan. 

Giáo viên Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 tại Trường THCS Phồn Xương. Ảnh: Mai Toan.

Theo Quyết định số 1028/QĐ-SGDĐT ngày 31/12/2020, Sở GD&ĐT giao 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh học sinh đã tốt nghiệp THCS vào học văn hóa và học nghề hệ trung cấp. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tuyển 700 học sinh và Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế 450 em. 

Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, mục tiêu đề ra phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Vì vậy, các trường THCS tích cực phối hợp với trường nghề tổ chức tư vấn định hướng giúp học sinh lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, nhu cầu.  

Được biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy văn hóa, chất lượng dạy nghề, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý; rà soát điều chỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp, tăng cường tổ chức các giờ học thực hành, trải nghiệm bám sát thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Siết chặt kỷ cương, nền nếp trong hoạt động chuyên môn, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học viên; gắn việc đào tạo nghề với thị trường lao động; cập nhập sự tiến bộ khoa học, công nghệ để kịp thời điều chỉnh phương pháp đào tạo cho phù hợp; chú trọng công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nâng tỷ lệ học viên tìm được việc làm sau đào tạo.

Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng chương trình giáo dục, định hướng nghề nghiệp; cấp phép đào tạo cho các trường cao đẳng nghề, qua đó giúp các đơn vị này thuận lợi khi liên kết dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng tới lợi ích của người học và thị trường lao động.