Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Đào tạo văn hóa trong trường nghề Thực hiện tốt việc phân luồng

                                               TS. Nguyễn Thị Thu Dung, ĐBQH - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình:  Cần có thông tư hướng dẫn cụ thể 

Ảnh: Lâm Hiển

                                                                                                                                                                                                                                         Ảnh: Lâm Hiển

Theo quy định khoản 3, Điều 45, khi học viên học hết chương trình trung học phổ thông (THPT) quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật Giáo dục, được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Như thế, việc cấp bằng tốt nghiệp THPT là do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) ở các địa phương thực hiện; các trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho người không dự thi và thi không đạt. Điều này có nghĩa, trường THPT, trường đại học (ĐH), cơ sở GDNN vẫn được quyền giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT nếu được Bộ GD - ĐT cho phép, nhưng không được quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Quy định của Luật là như vậy, nhưng đây cũng là mâu thuẫn nội tại của Luật Giáo dục năm 2019. Hiện nay, nếu theo quy định nêu trên, thì chỉ có trung tâm GDTX mới được cấp giấy xác nhận này, nghĩa là các cơ sở GDNN và ngay cả các trung tâm GDNN - GDTX nếu có giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, khi người học thi không đạt và không dự thi, muốn lấy giấy xác nhận thì hồ sơ phải gửi đến các trung tâm GDTX để trung tâm GDTX làm thủ tục. Đây là bất cập, nhưng cũng có thể chấp nhận được, vì người học hầu hết, sau khi hoàn thành chương trình đều dự thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ học sinh đỗ THPT hàng năm của các cơ sở GDNN rất cao đều trên 90%. Để khắc phục vấn đề này, trong Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên trường Múa Việt Nam và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN ngày 8.4 vừa qua cũng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ GD - ĐT, Bộ LĐ, TB - XH nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định này theo hướng tất cả các cơ sở giáo dục được dạy thì đều được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT cần có thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc cấp giấy chứng nhận này. Theo đó, thông tư cần quy định rõ những vấn đề sau đây: (1) Khối lượng kiến thức văn hóa THPT để giảng dạy trong các cơ sở GDNN; điều kiện để các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDTX cấp THPT; (2) Các cơ sở GDNN đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học theo quy định; (3) Người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức THPT thì được dự thi đại học; người học hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT tại các cơ sở GDNN được tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm theo quy định và hướng dẫn của Sở GD - ĐT. Từ đó, tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN, GDĐH, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy GDTX theo quy định.

                                                       TS. Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp: Bảo đảm chất lượng

Ảnh: Đức Kiên

                                                                                                                                                                                                                                         Ảnh: Đức Kiên

Nhiều năm nay, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh thực hiện khá tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Một trong những lý do dẫn đến kết quả trên được cho là do chất lượng đào tạo cho các học sinh THCS vào học nghề (hay còn gọi là hệ đào tạo 9+) được bảo đảm qua việc ghi nhận, tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn khi các em hoàn thành chương trình học nghề tại các cơ sở GDNN.

Riêng đối với Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp, số lượng tuyển sinh hệ 9+ trong nhiều năm qua đều đạt từ 400-600/năm, chiếm khoảng 60% số lượng tuyển sinh hằng năm; trung bình lưu lượng học sinh lớp 10, 11, 12 đang theo học tại nhà trường là khoảng 1.500 học sinh/năm. Đáng chú ý, trong số các em học sinh đang theo học hệ 9+ tại Nhà trường có rất nhiều em đủ điều kiện tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh dành cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên và đạt nhiều giải cao. Tính sơ bộ chục năm qua, chúng tôi có tới 500 giải các loại (bao gồm cả Nhất, Nhì, Ba) do các em hệ 9+ mang về. Bên cạnh đó, tỷ lệ đố tốt nghiệp của các em luôn đạt cao, từ 90 - 95%, đứng Top 5 trong tỉnh và hơn rất nhiều các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nói như vậy để khẳng định rằng, chất lượng đào tạo văn hóa cho các em THCS vào học nghề tại Nhà trường là hoàn toàn bảo đảm. Tuy nhiên, để làm được việc này, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp chương trình phù hợp giữa học văn hóa và học nghề thì việc đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng. Hiện Nhà trường có hơn 80 giáo viên thì có hơn 60% là thạc sĩ và đều có chứng chỉ sư phạm; trong đó có tới 40 giáo viên đang dạy văn hóa.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, về hình thức Nhà trường đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên đào tạo văn hóa cho các em hệ 9+, nhưng thực chất, việc đào tạo vẫn do Nhà trường đảm nhiệm. Chất lượng đào tạo không thay đổi, có chăng là vất vả thêm cho các cơ sở GDNN. Bởi, thay vì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thì nay chúng tôi phải thông qua Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện nên rất mất thời gian, thậm chí mất đi tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

                                                        ThS. Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Viễn Đông: Quy định khung điều kiện chuẩn

                                                                                                                                                                                                                                        Ảnh: Đức Kiên

Theo tôi, việc dạy văn hóa cùng với dạy nghề (hệ 9+) là thuộc tính không thể tách rời. Việc phân luồng đào tạo học nghề sau THCS là phù hợp với xu thế xã hội, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Các nước phát triển cũng đã và đang triển khai như hệ thống Kosen của Nhật Bản, hệ thống trường Cao đẳng cộng đồng tại Mỹ…. Tuy nhiên, để bảo đảm người học có vốn kiến thức văn hóa cơ bản và có cơ hội học lên cao thì việc dạy song song là cần thiết.

Tại trường Cao đẳng Viễn Đông, việc tuyển học sinh THCS vào học nghề đã được triển khai từ năm 2019, với quy mô khoảng 500 học sinh/năm. Chúng tôi đang kết hợp với Trung tâm GDTX quận 12 thực hiện ngay tại Cao đẳng Viễn Đông.

Nhìn chung việc kết hợp này khá tốt, tuy nhiên tính chủ động của cơ sở GDNN chưa cao. Cụ thể, việc sinh hoạt các tổ bộ môn văn hóa để gắn với Khoa chuyên ngành của Cao đẳng Viễn Đông vẫn còn khoảng cách, tính bổ trợ của các môn văn hóa cho các ngành nghề chưa cao.

Thứ hai, việc phải dạy đều 7 môn (Toán, Văn, Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa) cho tất cả các ngành nghề (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, mỹ thuật) của các Trung tâm GDTX hiện nay là chưa hợp lý.

Một vấn đề nữa là theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Thông tư số 32/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình này tương đối phù hợp và sát hơn với ngành nghề, nhưng hiện nay việc thực hiện phải theo lộ trình tới 2025.

Thực tế, tất cả 3 vấn đề trên đều có thể được giải quyết khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số bộ chuyên ngành ngồi lại định vị cho ra những khối lượng kiến thức bậc THPT dành cho các nhóm ngành nghề. Ngoài ra, về lâu dài nên quy định khung điều kiện chuẩn để các cơ sở GDNN có thể đăng ký tự triển khai dạy chương trình GDTX mà không cần phải “nhờ vả” vào Trung tâm GDTX hiện có. Nếu các cơ sở GDNN được chủ động dạy văn hóa, chắc chắc sẽ giúp chất lượng đào tạo văn hóa và nghề “gần” hơn với nhau; việc quản lý các em học sinh cũng thuận lợi hơn do chỉ có một đầu mối là cơ sở GDNN.