Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Thay vì bám nương rẫy, "có chữ, có nghề, đời con bớt khổ"

Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm. Việc học nghề gắn với đầu ra, cam kết có việc làm ngay khi ra trường đã khiến nhiều gia đình ở vùng rẻo cao tin tưởng gửi con đi học ở các trường nghề với mong muốn thoát nghèo, bớt khổ.

Gia đình 7 người nhà anh Lý Giúc Tiến (xã Nậm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) quanh năm trông chờ vào nương ngô, nương sắn với thu nhập ít ỏi. Vợ chồng anh Tiến làm lụng vất vả chỉ mong con có cái chữ, cái nghề để con không vất cả như bố mẹ. Con gái đầu lòng của anh Tiến là Lý Thị Trúc hiện là sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai (TP. Lào Cai).

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Anh Lý Giúc Tiến và con gái Lý Thị Trúc đang bê bao tải gừng đi bán.

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Mẹ (áo xanh), bà (áo đen) và 3 em của Trúc.

Anh Tiến tâm sự: "Muốn nuôi con đi học. Nhà không có điều kiện, cứ hết tiền tôi lại đi làm thuê để nuôi con. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng, đưa con xuống trường rồi lại quay về. Có lúc thì gửi gạo xuống cho con ăn rồi lại vội quay về vì ở nhà con nhiều anh em. Mong con kiếm được nhiều tiền hơn, tôi sẽ cố gắng đi làm thuê để con được học đến nơi đến chốn".

Không quản ngại xa xôi, Trúc đã vượt chặng đường gần 100 cây số để xuống trường Cao đẳng Lào Cai học nghề với ước mơ trở thành tấm gương cho các em của mình.

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Lý Thị Trúc đang chăm các em nhỏ của mình.

Em Lý Thị Trúc chia sẻ: "Em xuống thành phố học nghề. Là con cả, em muốn các em sau này lớn lên có động lực đi học như em. Bố mẹ em ở nhà vất vả đi làm thuê, bán ngô sắn khoai… để gửi tiền xuống hàng tháng cho em chi tiêu.

Nhà trường vẫn trợ cấp cho em hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi tháng 1,5 triệu (Một kỳ lấy tiền một lần). Khoản tiền này đã tiếp thêm động lực và hỗ trợ cho em theo đuổi học nghề. Em đi học muốn được đổi đời, không còn mãi ở dưới quê nữa. Em muốn lên thành phố làm việc".

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Trúc vượt qua gần 100 cây số xuống thành phố học nghề.

Em Vàng Thị Thơ, bạn thân của Lý Thị Trúc cũng rời bản xuống thành phố học nghề tại Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai. Thơ tâm sự: "Em có chị và em. Chị em học nghề xong đã có công việc ổn định. Em bây giờ cũng đang học. Học nghề không mất chi phí nhiều, em được nhà trường cung cấp tiền trợ cấp cho hàng tháng".

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Em Vàng Thị Thơ - Sinh viên Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi muốn tìm nguồn lao động có nguồn gốc từ tỉnh Lào Cai. Do đó, chúng tôi đã liên kết với các trường đào tạo trong tỉnh như trường Cao đẳng Lào Cai, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề. Công ty cũng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nội để đào tạo kỹ thuật viên về làm kỹ thuật ô tô một cách bài bản chính quy.

Trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề, trường Cao đẳng nghề Lào Cai cam kết nhận bất kỳ một sinh viên nào có học lực từ khá trở lên - nhận ngay từ lúc các em đang học.

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 6

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai.

Vừa qua, Toyota Lào Cai cũng nhận từ Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề 10 người, từ trường Cao đẳng Lào Cai hơn 30 người.

"Về kết quả, chúng tôi phải công nhận các bạn sinh viên mới ra trường có kỷ luật lao động, tinh thần học hỏi cao hơn rất nhiều so với các lao động khác. Về chuyên môn, các bạn mới ra trường tay nghề còn thấp thì vào đây chúng tôi sẽ hỗ trợ sau khi các bạn tốt nghiệp thì chúng tôi sẽ gửi về Trung tâm đào tạo của Toyota Lào Cai ở Lai Xá, Hoài Đức (Hà Nội) đi đào tạo nâng cao. Về cơ chế chính sách, tiền lương và chế độ ăn ở, chúng tôi cũng dành cho các bạn chính sách tốt nhất", ông Tuyên cho hay.

03:35

Thanh niên dân tộc thiểu số ở Lào Cai rời bản đi học nghề.

Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai, vốn là cựu học sinh trường Cao đẳng Lào Cai đang làm việc tại đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Ngành này rất tốt, vào ngày này nói chung mình phải cố gắng và chịu khó thì sẽ làm được. Tôi mong muốn sẽ làm ở những vị trí cao hơn và có một mức thu nhập cao hơn".

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 7

Nhấn để phóng to ảnh

Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai đã tốt nghiệp trường nghề và đang làm kỹ thuật viên sửa chữa ô tô với thu nhập khá.

Theo ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai: "Hầu hết sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai sau khi ra trường đều có doanh nghiệp đặt hàng, cơ bản được nhận ngay. Và ngay từ khi thực tập các em đã được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, nhận vào làm nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ nguồn để tuyển dụng.

Vị Hiệu trưởng trường nghề nhấn mạnh: "Rất nhiều các chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo tốt nhất bền vững nhất là đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn".

Và thực tế đã chứng minh có những xã đã thoát nghèo, làm giàu được bởi vì ở khu vực đó có một nhà máy. Người lao động được đào tạo ở trường nghề rồi ra làm việc tại đó. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn. Cứ địa phương nào có nhiều người được đi đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp, có nguồn thu nhập mang về thì an ninh của nơi đó được tốt hơn và xóa đói giảm nghèo được bền vững.

Thay vì bám nương rẫy, có chữ, có nghề, đời con bớt khổ - 8

Nhấn để phóng to ảnh

Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số tại Lào Cai đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm.

Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay: "Tỉnh định hướng dạy nghề phải theo đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Cung" của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng "cầu" của doanh nghiệp đặt hàng. Do vậy, việc đào tạo này có chất lượng ngày nâng lên và thu hút số lượng con em Lào Cai vào học rất đông. Khi học xong ở những trường này các em đều có cơ hội tìm việc làm và nâng cao mức sống của mình".

Lệ Thu - Quang Trường