Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

TPHCM: Trường nghề đề nghị "cởi trói" việc dạy văn hóa phổ thông trung học

Làm khó học sinh trường nghề

Ngày 14/6, gần 30 đại biểu là lãnh đạo các trường Cao đẳng (CĐ), Trung cấp (TC) thành viên của Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đã tham gia hội thảo trực tuyến nhằm góp ý dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Bộ GDĐT.

Tại đây, các đại biểu đều bày tỏ lo ngại khi các quy định trong dự thảo thông tư mới này không có gì mới mẻ, chưa giải quyết được vấn đề khó khăn trong việc giảng dạy chương trình THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ Trung cấp ở hệ thống các cơ sở GDNN.

Đại diện các trường đều ghi nhận điểm tích cực của dự thảo thông tư này là đã ghi nhận các cơ sở GDNN được phép tổ chức giảng dạy chương trình THPT tại điều 1.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của dự thảo thông tư này là các cơ sở GDNN chỉ được dạy chương trình 4 môn (2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn tùy vào ngành nghề).  

Đồng thời, các cơ sở GDNN chỉ được cấp cho học sinh theo học bậc Trung cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn là Cao đẳng trong hệ thống GDNN, tách hẳn khỏi hệ thống giáo dục ĐH.

TPHCM: Trường nghề đề nghị cởi trói việc dạy văn hóa phổ thông trung học - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Các trường nghề đều mong muốn được dạy chương trình THPT 7 môn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh theo học (Ảnh: Hoài Nam).

Theo các trường nghề, quy định này tiếp tục làm khó học sinh trường nghề. Bởi có những em học nghề nhưng vẫn mong muốn và có khả năng thi lấy bằng Tốt nghiệp THPT để sau này có điều kiện học liên thông lên ĐH. Nhưng với Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì các em không thể đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Để giúp học sinh Trung cấp có được bằng tốt nghiệp THPT, nhiều trường phải gửi các em đến học văn hóa 7 môn ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Tuy nhiên, hình thức này có trở ngại là học sinh phải học nghề ở một nơi, học văn hóa ở nơi khác.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng trường CĐ Viễn Đông chia sẻ: "Hình thức này còn bất cập ở chỗ chương trình nghề bậc Trung cấp chỉ giảng dạy 2 năm, còn học văn hóa ở trung tâm GDTX thì mất 3 năm. Năm 3 thì hầu như trường "thả" học sinh sang trường GDTX luôn vì ở trường nghề đã hết thời hạn đào tạo. Phụ huynh cảm thấy như các trường nghề bỏ rơi các em!".

Với các em không học theo hình thức trên mà chỉ học hệ 4 môn, khi muốn thi Tốt nghiệp phải học lại chương trình 7 môn.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM cho rằng: "Sau khi học Trung cấp ra, các em phải học lại chương trình 7 môn của GDTX thì quá vô lý, không thể đã đào tạo rồi còn đào tạo lại!".

Cho trường nghề dạy hết chương trình THPT

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường CĐ Viễn Đông, cần tạo điều kiện để học sinh Trung cấp có thể học nghề và học văn hóa ngay tại trường nghề để thống nhất chương trình, thời gian học cũng như là học sinh không phải chạy đi chạy lại 2 nơi, phụ huynh không phải liên hệ cùng giáo viên ở cả 2 trường cùng lúc.

Để làm được điều đó, thạc sĩ Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng trường TC nghề Đông Sài Gòn đề nghị Bộ GDĐT phải sửa đổi điều 3 trong dự thảo thông tư này theo hướng cho các cơ sở GDNN được dạy hết chương trình THPT (7 môn).

Khi đó, học sinh Trung cấp có thể lựa chọn học chương trình 4 môn hoặc 7 môn. Còn các trường nghề được quyền cấp Giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT (7 môn).

Với Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, các em nếu có nguyện vọng và năng lực có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT như thí sinh tự do, học liên thông lên ĐH…

Đồng tình với ý kiến trên, thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa - Hiệu trưởng trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn cho rằng: "Việc được học đủ 7 môn THPT để các em đủ điều kiện thi tốt nghiệp sẽ mở rộng cơ hội phát triển tương lai cho các em học sinh Trung cấp".

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc cũng góp ý: "Dạy văn hóa THPT cho các em liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân chứ không thể bó hẹp trong hệ thống GDNN. Dự thảo thông tư này đang hạn chế sự liên thông của các em, cần sửa đổi cho phù hợp".

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Bộ GDĐT hoàn toàn có thể cho các cơ sở GDNN dạy chương trình THPT 7 môn, ngành giáo dục vẫn quản lý chuyên môn, sát hạch và cấp phép cho trường đủ điều kiện được giảng dạy. Nếu trường nào không đạt thì không cấp phép, dạy không đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thì thu hồi giấy phép…

Thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng CĐ quốc tế TPHCM nhấn mạnh: "Học xong Trung cấp, học sinh muốn liên thông lên CĐ hay ĐH là nhu cầu của mọi người, không thể vì lý do gì mà bắt người học nghề không được học ĐH, muốn học ĐH phải học lại chương trình GDTX".

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM góp ý về góc độ tuyển sinh: "Các quốc gia đang phát triển như chúng ta cần rất nhiều nhân lực Trung cấp cho nên cần tạo điều kiện để thu hút học sinh theo học. Do đó, không nên phân biệt như dự thảo thông tư này, dễ dẫn đến suy nghĩ của phụ huynh là phải học văn hóa, phải có bằng THPT rồi không cho con học Trung cấp".

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TPHCM tổng kết lại: "Chúng ta phải góp ý để đảm bảo tính hệ thống của ngành giáo dục là giáo dục quốc dân chứ không phân biệt GDNN và giáo dục ĐH; Đảm bảo thông suốt quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước; Đảm bảo quyền lợi của người học, được học liên thông và học tập suốt đời".

Tùng Nguyên