Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Bài dự cuộc thi viết về kỹ năng lao động: CƠ HỘI VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ KHI THAM GIA ĐÀO TẠO NGHỀ

Trường Cao đẳng Gia Lai hiện nay đào tạo 36 ngành nghề ở ba cấp trình độ gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ở các nhóm ngành nghề: Công nghệ kỹ thuật, Văn hóa nghệ thuật, Y dược, Nghiệp vụ du lịch, Nông nghiệp. Với 5 địa điểm đào tạo hiện nay được đặt ở trung tâm thành phố và hai thị xã An Khê, Ayun Pa đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người học, đặc biệt là người DTTS.

Trong thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đào tạo kết nối việc làm cho người lao động ở nhiều bậc, trình độ khác nhau. Theo ông Phạm Anh Tiến, Trưởng phòng Quản trị thiết bị và tiếp xúc Doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Gia Lai thì trong năm 2020 đã có trên 100 doang nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký làm việc với lãnh đạo nhà trường với con số tuyển dụng lao động trên 5000 chỉ tiêu, tuy nhiên nhà trường mới chỉ đáp ứng được 1/10 con số này.

Ảnh minh họa

 

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đỗ Thế Trinh, Phó giám đốc nhân sự công ty cổ phần SXCB và Phân phối Nông nghiệp THADI, thuộc tập đoàn Trường Hải cho biết, “công ty hiện nay có 40.000 hecta trồng cây ăn quả, chăn nuôi tại Campuchia, Gia Lai, và Bình Định. Với diện tích này, công ty chúng tôi rất cần lao động có tay nghề qua đào tạo ở tất cả các ngành nghề. Đặc biệt ở khối nghề nông nghiệp và cơ khí, chính vì vậy, chúng tôi bắt tay vào hợp tác với trường Cao đẳng Gia Lai để đào tạo, tạo việc làm cho người dân”. Ngoài ra đối tác của trường còn có các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Lilama, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, công ty Cổ phần May Nhà Bè, Công ty May Sinh Phát Bình Định, Công ty FPT... Ông Phạm Anh Tiến, cho biết thêm “đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, công nghệ thông tin tỷ lệ sinh viên  có việc làm ngay sau khi ra trường đạt 100%, còn tỷ lệ chung cho toàn trường đạt 88%”.

Với đặc thù đào tạo với con số lên tới 79% học sinh sinh viên là người Dân tộc thiểu số nên nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc kết nối việc làm để tạo được việc làm ổn định, bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, góp phần nâng cao đội ngũ dân trí, xây dựng lực lượng công nhân đáp ứng được yêu cầu của hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đảm bảo việc thực hiện an sinh xã hội và an ninh chính trị xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, người học là người DTTS vẫn gặp phải một số rào cản nhất định như chất lượng đào tạo ở bậc học phổ thông còn thấp, các em còn gặp phải khó khăn trong giao tiếp, hội nhập, tâm lý ngại đi làm xa cũng là yếu tố khiến các em học xong còn quay về làng.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy chính quyền địa phương trong việc động viên con em người DTTS đến trường, tham gia vào thị trường đào tạo nghề và kết nối việc làm. Để có việc làm ổn định cho thanh niên DTTS, thay đổi nếp nghĩ cách làm lâu nay của người DTTS từ bao đời nay không khó nhưng đòi hỏi thời gian. Cần tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, chế độ cho người học, chính sách miễn giảm hỗ trợ học phí cho người học để người DTTS nắm bắt được cơ hội tạo việc làm ổn định, miễn phí.

(Tác giả: Tạ Ngọc Điệp, Trường Cao đẳng Gia Lai)