Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Xây đội ngũ "công nhân nông nghiệp"

LTS: Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về kinh tế thì người lao động sẽ tìm cách để lên thành phố... Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, bảo đảm đủ lực lượng lao động để giữ nhịp phát triển cho các đô thị và ổn định nguồn nhân lực tại vùng nông thôn.

Ông Hùng nhấn mạnh: hình ảnh của những lao động “di cư ngược”, ai trong chúng ta cũng đều thấy rất buồn. Vì vậy, sớm tìm ra một giải pháp khả thi nhất để giữ nguồn nhân lực dồi dào tại nông thôn phục vụ phát triển kinh tế ngay tại quê nhà là một vấn đề tưởng chừng như cũ nhưng lại là vấn đề mới, có tính cấp thiết.

- Vậy trước thực trạng hiện hữu, theo ông giải pháp là gì?

Theo tôi, để giữ chân được lao động ở nông thôn, để không có cảnh di cư ngược như vừa qua, có 2 vấn đề rất quan trọng:

Thứ nhất, phải đẩy nhanh việc thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Và để “kéo” người lao động ở lại với “tam nông”, thực hiện chương trình nông thôn mới, nhiều nơi cũng đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, đã có các mô hình điển hình. Ngoài những lao động cố cựu “bám đất, bám vườn” thì mỗi năm địa phương cũng đã giải quyết được việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển hoạt động công nghiệp, dịch vụ, chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống...

Thứ hai, quan tâm đến đào tạo nghề cho người lao động để họ có thể bám trụ được ngay trên mảnh đất quê hương. Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã tổ chức được các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động trên địa nhưng do nhu cầu việc làm tại địa phương còn hạn chế, công tác đào tạo nghề còn có những bất cập, nên nhiều lao động không tìm được việc làm tại chỗ, phải bỏ quê hương đi làm ăn xa xứ.

Thực trạng hiện nay ở nhiều nơi việc “ly nông” cũng diễn ra theo phong trào rồi nhiều lúc người lao động cũng đã tự quay về, với suy nghĩ là không đâu bằng ở quê hương mình. Dù thu nhập có thấp nhưng vẫn bảo đảm được chi phí sinh hoạt, đời sống hằng ngày. Đây cũng là cơ hội để các địa phương thúc đẩy các kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thông thời kỳ “hậu đại dịch”, theo hướng bền vững.

 Thực hiện hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để “kéo” người lao động ở lại với “tam nông”. (Trồng rau công nghệ cao tại Cty XNK nông sản Hải Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Thái Sơn)

Thực hiện hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để “kéo” người lao động ở lại với “tam nông”. (Trồng rau công nghệ cao tại Cty XNK nông sản Hải Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Thái Sơn)

- Nhưng những giải pháp này đã triển khai nhiều năm và chưa có những chuyển biến lâu dài, thưa ông?

Đúng vậy! Vì vậy trong thời gian tới, theo tôi cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội, nhất là an sinh xã hội… Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự “liên kết” chặt chẽ với thực trạng đời sống của nông dân, với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay.

Khi những người nông dân thật sự là “công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ “ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”. Và, mấu chốt tận cùng của mà chúng tôi muốn nói đến là làm nông nghiệp có thể mang lại thu nhập ổn định, tiến lên làm giàu.

Việc phát triển các khu công nghiệp nông thôn không chỉ giải được bài toán ly nông mà không ly hương; mà còn giúp cuộc sống người lao động sống và làm việc ngay trên mảnh đất quê hương của mỗi người. Phải tìm mọi cách nhân rộng, phát triển các ngành, lĩnh vực phụ trợ liên quan - đó chính là hình hài phôi thai của chuỗi liên kết dọc và ngang và đáp ứng yêu cầu của chính những doanh nghiệp tại địa phương.

- Ở góc độ dạy nghề, ông có đưa ra những giải pháp gì đối với lượng lao động trẻ?

Hiện nay, với việc hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, một mấu chốt khác tiếp tục đặt ra cho ngành nông nghiệp: phải đào tạo cho được đội ngũ các “công nhân nông nghiệp” có tay nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, “nút thắt” trong đào tạo nghề là xác định, lựa chọn nghề đào tạo để làm “nông nghiệp tiên tiến, hiện đại”.

Nhưng căn nguyên của vấn đề này lại là công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chưa có các giải pháp đồng bộ về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp để thực hiện quy hoạch.

Như vậy, “nút thắt” ở đây được hiểu chính là nguồn việc làm để từ đó định hình và thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động. Việc làm sau đào tạo là “chìa khóa” giám sát, kiểm soát đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điều này tất yếu hình thành cơ chế ràng buộc là: “Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và dự kiến được mức thu nhập sau học nghề”. Chứ không dạy nghề ào ào, học nghề ào ào nhưng chứng chỉ học nghề bị bỏ phí trong các tủ kính!

Phải giải quyết bằng được những bất hợp lý này, để người dân “ly nông” nhưng không “ly hương”.

-Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRANG thực hiện