Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Trường nghề gặp khó khi Đại học tăng quy mô tuyển sinh

Ngày 20/08, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2021. 

7 tháng đầu năm các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề tuyển 75.000 chỉ tiêu

Tính đến ngày 15/08, hệ thống các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh được 75.000 nghìn người học đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021 và bằng khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên đã tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 800.000 người (đạt 44 % kế hoạch năm).

Theo phân tích của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), một số lĩnh vực ngành, nghề vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch khách sạn, Sức khỏe, Kinh doanh và quản lý...

Đặc biệt, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thương hiệu vẫn duy trì kết quả tuyển sinh ấn tượng trong 7 tháng đầu năm. Điển hình như Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai), Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn...

Mặc dù có nhiều cố gắng, sáng tạo trong công tác tuyển sinh nhưng theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, kết quả tuyển sinh vẫn thấp so với kế hoạch năm 2021.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tại hội nghị trực tuyến tuyển sinh, đào tạo năm 2021.
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tại hội nghị trực tuyến tuyển sinh, đào tạo năm 2021.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Không chỉ tuyển sinh mà ngay cả việc đào tạo học sinh, sinh viên đang có của các trường cũng rất khó khăn. Có trường tuyển sinh được rồi, vừa mới khai giảng xong thì gặp ngay dịch bệnh lại phải đóng cửa các hoạt động dạy học trực tiếp. Ngay cả việc bố trí lịch khai giảng, mở lớp đào tạo cho các em cũng khó khăn”, TS. Trương Anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ khó khăn về tuyển sinh, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lào Cai cho biết, dịch COVID-19 khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn.

“Nhiều gia đình không còn tiền cho con đi học nghề mà học xong phổ thông cho con đi thẳng xuống các khu công nghiệp để làm luôn. Nhiều em rất tâm tư vì muốn đi học nhưng gia đình khó khăn, không có tiền cho đi học nghề nên phải đi làm. Điều này cũng làm giảm kết quả tuyển sinh”, ông Hoàng Quang Đạt cho biết.

Bên cạnh khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19, công tác tuyển sinh của các trường nghề còn gặp khó  khi quy mô tuyển sinh đại học ngày một gia tăng (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm). Phương thức tuyển sinh đa dạng, dễ dàng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.

Các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp đã thu hút một lực lượng lớn người trẻ tham gia ngay vào thị trường lao động mà chưa qua đào tạo. 

Ngoài ra công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề làm chưa tốt, mới đạt khoảng 15% so với mục tiêu 30% người tốt nghiệp THCS vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị.

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề

Tại hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2021, đại diện nhiều trường nghề cũng có nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết, sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều trường nghề ngoài công lập rơi vào cảnh kiệt quệ.

“Có những trường đến giờ không còn kinh phí duy trì bộ máy, cơ sở vật chất để tiếp tục công tác tuyển sinh, đào tạo. Phải ăn đong. Khó nhất là đội ngũ nhà giáo, nếu họ rời bỏ đi rồi về sau rất khó để họ quay lại. Thậm chí nhiều trường đi thuê mặt bằng muốn trả lại cũng không được vì vẫn còn sinh viên, còn học sinh.”, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Từ thực tế này, ông Sang mong muốn, Tổng cục Giáo dục nghiệp nghiệp tham mưu, đề xuất với các Bộ, ngành để các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề ngoài công lập có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy, tuyển sinh.

Ông Nguyễn Xuân Sang-Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội
Ông Nguyễn Xuân Sang-Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lào Cai kiến nghị các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo nghề như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên…

Trong khi đó, ông Hồ Tá Phương, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cũng đề xuất, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nên cần thiết có chính sách giảm học phí cho các đối tượng khó khăn. Bên cạnh đó sớm ưu tiên tiêm Vaccine cho cán bộ, giáo viên, sinh viên để đảm bảo an toàn về sức khỏe khi học sinh, sinh viên đi học trở lại…

Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để tuyển sinh, đào tạo

Chia sẻ khó khăn với các trường nghề trong công tác tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh sẽ tham mưu với các Bộ, ban ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, riêng đối với công tác tuyển sinh, ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghiệp cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động và sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu tuyển sinh và các hoạt động đào tạo, giảng dạy. 

Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn); trên webiste của nhà trường; thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động.

Số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số để dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, các trường nghề cần phải tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh họa) 
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, các trường nghề cần phải tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh họa) 

Ngoài ra, các trường cần đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp; tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng với người có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Đối với những địa phương, những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần tập trung cao độ cho việc tuyển sinh, thực hiện cả tuyển sinh trực tiếp, kết hợp đẩy mạnh hơn nữa tuyển sinh trực tuyến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đã đặt ra.