Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Mô hình đào tạo 9+: Thêm lựa chọn cho học sinh

Chọn nghề theo năng lực

Tại những nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Singapore, 9+ là mô hình khá phổ biến. Còn ở Việt Nam, mô hình này đang được nhân rộng với những ưu điểm như giúp phân luồng nguồn lao động ngay từ bậc THCS, giảm áp lực cạnh tranh nghề nghiệp cho sinh viên. Ngay sau khi hoàn tất chương trình THCS, các bạn trẻ được học song song kiến thức để hoàn tất chương trình THPT, đồng thời trau dồi kỹ năng thực hành nghề trong thời gian 3 năm.

Mô hình đào tạo 9+, học nghề, Bắc Giang, học sinh,

Công tác tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Em Nguyễn Thị Hường (SN 2005), ở xã Tân Sỏi (Yên Thế), học sinh năm thứ 2 (K12) lớp Nghề may, Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế chia sẻ: “Năm ngoái, khi tốt nghiệp THCS, em được thầy cô tư vấn học văn hóa cấp THPT và học nghề. Ban đầu em cũng phân vân nhưng bố mẹ đều làm nghề nông, điều kiện kinh tế không dư dả nên em quyết định chọn học theo mô hình này, mong sớm có công việc ổn định để giảm gánh nặng của gia đình”. 

Còn em Hà Văn Đức (SN 2003) ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), hiện là học sinh lớp 12A3, Trung tâm Giáo dục THPT thuộc Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang chia sẻ, sau 3 năm học, có trong tay bằng THPT và bằng trung cấp nghề, em có thể đi làm ngay tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, nếu có cơ hội thì liên thông lên cao đẳng. Điều này sẽ giúp em tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc học.

Một lợi ích của mô hình 9+ để nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn theo học đó là giúp các em chọn trường, chọn nghề theo năng lực. Theo cô giáo Hoàng Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nội Hoàng (Yên Dũng), trong quá trình học tập, rèn luyện, mỗi học sinh đều bộc lộ mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. 

Dựa vào kết quả học tập từng năm và nắm bắt năng lực, sở thích của cá nhân từng em, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các thầy cô, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ học sinh học theo mô hình 9+ đạt từ 30% trở lên. Riêng năm học 2020-2021, trong số 100 học sinh tốt nghiệp THCS thì có 35 em lựa chọn học văn hóa kết hợp học nghề tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Chủ động tham gia thị trường lao động

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số lượng học viên học văn hóa và học nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc đơn vị quản lý tăng đều theo từng năm học. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có hơn 4,6 nghìn học viên thì năm học vừa qua tăng lên hơn 6,5 nghìn. 

Tỷ lệ học viên có bằng trung cấp nghề sau tốt nghiệp THPT tăng từ 95,8% lên 98%. Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT tiếp tục giao 1.150 chỉ tiêu tuyển sinh học sinh đã tốt nghiệp THCS vào học văn hóa và học nghề hệ trung cấp cho các trường nghề.

Theo đánh giá của ngành Lao động, mô hình 9+ là hướng đi phù hợp với những bạn trẻ mong muốn nhanh chóng gia nhập thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay. Nắm bắt được lợi thế đó, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình tích hợp phù hợp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời điểm này, Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế mới tuyển sinh được gần 400/600 chỉ tiêu được giao, trong đó có gần 300 em đăng ký học theo mô hình 9+. 

Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường được biết, sau khi sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - dạy nghề huyện, đơn vị đã đầu tư kinh phí mở rộng khuôn viên, sửa chữa khu lớp học văn hóa, nhà xưởng thực hành... khang trang, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. 

Đặc biệt, rút ngắn các giờ lý thuyết, tăng thời gian thực hành; liên hệ và bố trí hợp lý thời gian học sinh thực tập, “vừa học vừa làm” tại doanh nghiệp (DN). Từ đó, giúp các em vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao tay nghề, tạo cơ hội tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.

Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, trường lựa chọn đào tạo 14 nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực, đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Ngoài 5 khoa chuyên môn duy trì từ những năm trước gồm: Cơ khí - Động lực; Công nghệ thông tin; Điện - Điện tử; May thời trang (hệ trung cấp); Văn hóa, từ năm học 2019-2020, Trường mở thêm ngành đào tạo May thời trang (hệ cao đẳng).

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành nội dung chương trình giảng dạy văn hóa cho trình độ trung cấp đầu vào THCS và cơ chế phối hợp giám sát theo quy định. Nhờ đó, các trường nghề có cơ sở để triển khai dạy văn hóa và xác nhận “hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT” cho người học theo quy định của Luật Giáo dục. 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Nhài, Phó trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), để mô hình đào tạo 9+ đạt hiệu quả, ngành Giáo dục cần quan tâm nghiên cứu, giảm tải chương trình văn hóa trong hệ trung cấp nghề sau THCS. Bởi khi tích lũy đủ kiến thức để có bằng tốt nghiệp văn hóa thì các em mới có cơ hội học liên thông lên hệ đào tạo cao hơn. 

Cùng đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường rà soát, điều chỉnh chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp, tăng cường tổ chức các giờ học thực hành, trải nghiệm bám sát thực tế sản xuất của DN, gắn việc đào tạo nghề với thị trường lao động; chú trọng tư vấn giới thiệu việc làm, nâng tỷ lệ học viên tìm được việc làm sau đào tạo.

Bài, ảnh: Tường Vi