Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Sẵn sàng nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề, chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế

Đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tay nghề cao, bên cạnh đào tạo nghề đại trà, Bộ đã chủ trương phát triển các ngành nghề đào tạo CLC, trường nghề CLC để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, Đề án “Phát triển trường cao đẳng CLC đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh năm 2019 là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành GDNN triển khai đào tạo nghề CLC nói chung và tại các trường nghề CLC nói riêng.

Theo đánh giá của Tổng cục GDNN, công tác phát triển mạng lưới trường CLC bước đầu được thực hiện giúp đào tạo nhân lực tay nghề cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường. Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN được nâng cao; kỹ năng nghề nghiệp của lao động nghề được nâng lên, nhất là ở các chương trình CLC…

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề CLC - Khuyến nghị với Việt Nam tổ chức chiều 10/9 theo hình thức trực tuyến, những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề CLC tiếp tục được các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý, các chuyên gia GDNN trao đổi làm rõ. 
 

TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN. Ảnh: Tổng cục GDNN


Theo TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, hiện Tổng cục GDNN đang thực hiện cơ cấu lại các cơ sở GDNN, trong đó, trọng tâm là hình thành mạng lưới các trung tâm và các trường CLC... “Đây được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống GDNN của các nước phát triển” - TS. Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Nói thêm về chủ trương này, ông Đinh Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN cho hay, mô hình trung tâm đào tạo và thực hành nghề CLC dự kiến được xây dựng với mục tiêu đào tạo nhân lực CLC. Việc thành lập 3 trung tâm quốc gia này sẽ trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng của Bộ LĐ-TB&XH gồm: Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ (tại TP. Hà Nội), Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất (trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi) và Trường CĐ Kỹ nghệ II (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Các trường CLC khác của các Bộ, ngành, địa phương sẽ là các vệ tinh của 3 trung tâm này.

Chia sẻ về mô hình trung tâm đào tạo thực nghề liên DN - vai trò chức năng của trường CLC tại Đức, ông Juergen Hartwig - Giám đốc Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam Giz khuyến nghị, các cơ sở GDNN Việt Nam nên đào tạo lý thuyết thực hành theo nhu cầu ở mọi trình độ và loại hình. Từ chính quy, đến ngắn hạn; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trở lên - đến mức tiêu chuẩn quốc tế cao hơn. Đồng thời đào tạo theo hình thức hợp tác, đào tạo nâng bậc kỹ năng cho người lao động về công nghệ, kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi. 

Tìm giải pháp cho nguồn lực đầu tư

Theo Đề án phát triển trường nghề CLC, ngoài việc xây dựng 3 trung tâm quốc gia ở 3 miền khác nhau, đến năm 2025, ngành GDNN đặt mục tiêu có 70 trường CLC, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và 3 trường tiếp cận các nước phát triển trong G20.

Để thực hiện được mục tiêu này, Đề án đề ra nhiệm vụ đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề CLC, đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trường CLC và nghề trọng điểm... Đáng lưu ý, các trường CLC sẽ được Nhà nước ưu tiên đặt hàng thực hiện các dịch vụ đào tạo GDNN.

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống trường CLC trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho GDNN nói chung và cho đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn thấp; việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung cho các trường được quy hoạch đạt CLC. Đặc biệt, khi mọi nỗ lực đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc đảm bảo nguồn lực đầu tư cho GDNN để thực hiện các mục tiêu này sẽ gặp thách thức rất lớn.

Đơn cử như để tạo dựng các Trung tâm đào tạo nghề quốc gia cũng cần nguồn lực đầu tư không nhỏ, trong đó, khó khăn nhất vẫn là kinh phí. TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, hiện giờ Chính phủ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho các trung tâm vùng nhưng sẽ phải cần nhiều hơn nữa các nguồn vốn, trong đó có các nguồn vốn vay ODA để xây dựng các trung tâm này.
 

Phát triển trường nghề, đào tạo nghề CLC là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: N.LỘC


Từ thực tiễn hợp tác trong phát triển GDNN và nắm bắt thực trạng của Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Lan Anh - đại diện Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng việc xây dựng Trung tâm vùng trong GDNN là rất quan trọng. Tuy nhiên điều này sẽ gặp khá nhiều khó khăn. "Hiện nay Việt Nam đã có nhiều trường đào tạo nghề CLC. Song việc đầu tư, tiếp cận vay vốn để phát triển gặp nhiều khó khăn" - bà Lan Anh nói.

Ông John Tucker - Tổng giám đốc Học viện SkillsTech TAFE Queensland cho biết, ở Australia, Chính phủ tài trợ toàn bộ chi phí xây dựng các trung tâm vùng, đầu tư theo sinh viên, dù là trường công hay trường tư.

Tuy nhiên, để phát triển và thu hút nguồn lực đầu tư về lâu dài, các trường nghề cần phải phát huy nội lực, kết hợp với tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ khác. Trong đó, giải pháp then chốt chính là các trường cần khẳng định thương hiệu của mình, định vị thương hiệu trong lòng học sinh, phụ huynh. Đây là cách để thu hút học sinh học nghề CLC và từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh, cơ hội phát triển của các trường.

Đánh giá cao chia sẻ từ các đại biểu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, dựa vào điều kiện thực tế tại Việt Nam, phương án để hình thành các trung tâm vùng, trường CLC vẫn phải nhờ vào sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ; đồng thời là thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, thông qua xã hội hóa GDNN. 


NGUYỄN LỘC