Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Sinh viên nghề chậm tốt nghiệp: Nguy cơ 'đứt gãy' nguồn cung lao động

Hiện rất nhiều trường nghề kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho các tập đoàn, trong đó có tập đoàn nước ngoài. Nhưng dịch COVID-19 làm chương trình học kéo dài hơn dự kiến, các sinh viên chưa thể thực hành (mà chương trình chủ yếu là thực hành) nên chưa tốt nghiệp, chưa cung ứng được lao động tay nghề cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký.

Thực hành không thể dạy online

Theo ông Tào Bằng Huy, nhiều địa phương hiện chưa cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường khiến việc đào tạo không đảm bảo. 

Các trường có thể dạy trực tuyến những học phần lý thuyết nhưng không thể dạy thực hành online, trong khi nâng cao kỹ năng thông qua thực hành luôn là yêu cầu của trường nghề. 

Vì thế, quá trình đào tạo kéo dài hơn, dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn tái sản xuất.

Nhiều năm phối hợp đào tạo với các công ty, doanh nghiệp sản xuất tại Đồng Nai, Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai) hiện cũng gặp nhiều trở ngại khi cho sinh viên trở lại trường để hoàn tất các học phần. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ đáng lẽ sinh viên các năm cuối đã tốt nghiệp ngay trong tháng 10 này nhưng hiện tại có thể phải kéo dài đến tháng 12. 

Hầu hết các bạn đều đã ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp từ năm 2, nhận lương, phụ cấp của họ và được thực hành tại doanh nghiệp trong suốt thời gian học. "Các bạn là nguồn lao động dự trữ của doanh nghiệp khi họ muốn đẩy cao tiến độ nhưng thiếu hụt người" - ông Cường nói.

Để tránh đứt gãy nguồn cung lao động, ông Cường cho biết trường đã lên kế hoạch cho các bạn đã tiêm 1 hoặc 2 mũi được học theo hình thức "3 tại chỗ". Học viên sẽ thực hành tập trung, ăn ở trong khuôn viên và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Dù vậy, theo ông Cường, nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp có thể phải chậm hơn đôi chút.

Doanh nghiệp nước ngoài "khát" lao động

ThS Phan Thị Lệ Thu, phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chia sẻ nhà trường có nhiều chương trình phối hợp với Tập đoàn Knappschaft (Đức) cung ứng lao động ngành điều dưỡng. Sinh viên có thể lựa chọn các chương trình học 1, 2 hoặc 3 năm đầu tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp sang Đức tiếp tục học, thực hành và làm việc có lương tại các bệnh viện thuộc Tập đoàn Knappschaft.

Bà Thu cho biết đầu tháng 5-2021, trường đã gửi một số sinh viên chuyển tiếp sang Đức. Dù vậy, hiện 12 sinh viên chương trình 2+2 (2 năm ở Việt Nam và 2 năm học ở Đức) đang chậm tiến độ. 

Theo lịch ban đầu, các em sẽ thực hành tại các bệnh viện ở Việt Nam từ tháng 5-2021 để hoàn tất những học phần trong nước trước khi chuyển tiếp, tuy nhiên do dịch COVID-19 đến tháng 10-2021 nhóm sinh viên này mới chuẩn bị thực tập. Thời gian sang làm tại Đức vì vậy sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2022.

Theo bà Thu, nhu cầu nhân lực của Tập đoàn Knappschaft khá cao, vì vậy thường hối thúc trường đẩy nhanh tiến độ cho sinh viên. Họ thậm chí tạo thêm rất nhiều điều kiện để hoàn thành các học phần cho các bạn, tăng thêm đãi ngộ về lương, thưởng và tạo điều kiện tiêm vắc xin, chăm sóc sức khỏe... Đến nơi, sinh viên sẽ lập tức làm việc tại các bệnh viện đang rất cần người.

ThS Võ Long Triều, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Thủ Đức, cho biết hằng năm trường có những chương trình kết nối với các công ty tại Nhật cho sinh viên sang thực tập có hưởng lương. Thông thường, các sinh viên sẽ trực tiếp đứng máy trong dây chuyền sản xuất về điện, điện tử, cơ khí, ôtô, nhờ vậy tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và có lợi thế ứng tuyển vào các công ty của Nhật khi trở về nước.

Tuy nhiên, chương trình buộc phải tạm hoãn từ năm 2021 vì không thể xin được visa cho sinh viên sang Nhật. 

Các khóa sinh viên thực tập tại Nhật của trường trước đó cũng đã về nước. "Các doanh nghiệp Nhật vẫn rất muốn sinh viên Việt Nam sang thực tập và làm việc cho họ vì đúng nghề, đúng lĩnh vực mà họ lại rất cần người. Nhưng có thể phải đợi khi tình hình dịch bệnh thật sự ổn, hai bên mới có thể nối lại hoạt động này" - ông Triều nói.

"Săn" sinh viên chưa tốt nghiệp

ThS Võ Long Triều chia sẻ nhiều doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi lớn, đã đến trường bày tỏ mong muốn cho sinh viên đến làm việc ngay trong tháng 10 này. Hầu hết đây là những doanh nghiệp tái sản xuất từ ngày 1-10 và rất cần lao động, trong khi đó sinh viên học online cũng không quá bận rộn so với khi học trực tiếp.

Ông Triều cho biết trước nhu cầu của doanh nghiệp và cơ hội của sinh viên, nhà trường đã thông báo nhưng phân tích kỹ lưỡng cho các sinh viên.

Nếu sinh viên có thể sắp xếp được thời gian giữa học và làm, đây sẽ là cơ hội cho các em tham gia thị trường lao động và được các công ty lớn nhận trước khi tốt nghiệp. Ngược lại, nếu mải mê làm việc mà lơ là việc học, dù cho là học online, chuyện tốt nghiệp có thể sẽ chậm hơn dự kiến, thậm chí không thể ra trường.

Hầu hết sinh viên đang ở quê

ThS Nguyễn Văn Chương, hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi (Đồng Nai), chia sẻ trường từ lâu cung ứng nhiều lao động cho các công ty tại khu công nghiệp Đồng Nai. Hiện tại, cơ sở của trường đang được địa phương sử dụng làm bệnh viện dã chiến nên việc giảng dạy đang thông qua hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong vùng vẫn có nhu cầu lao động nhưng chưa thể kết nối được vì sinh viên hầu hết vẫn đang ở quê. "Nếu trong tháng tới có thể dạy trực tiếp trở lại tôi nghĩ vẫn có thể xoay xở được, nhưng hết học kỳ này vẫn chưa thể học trực tiếp có thể sẽ quá giới hạn" - ông Chương nói.