Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

TPHCM: Thị trường lao động "khát" nhân lực có tay nghề

Nhu cầu áp đảo nguồn cung

Trong quý III năm 2021, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 21.500 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 41.000 lao động và gần 43.000 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Kết quả khảo sát của Falmi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 15%, chủ yếu ở các nhóm nghề thông dụng lao động như: dệt may - giày da, cơ khí, công nghệ lương thực - thực phẩm, kinh doanh - thương mại, bảo vệ…

Nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ áp đảo, hơn 85% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, doanh nghiệp cần lao động trình độ đại học trở lên chiếm hơn 17%, cao đẳng chiếm gần 22%, trung cấp chiếm gần 26%, sơ cấp chiếm hơn 20%.

Như vậy, nhu cầu nhân sự trình độ nghề đạt đến 68%, gấp 4 lần nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên và gấp 4,5 lần nhu cầu lao động chưa qua đào tạo.

TPHCM: Thị trường lao động khát nhân lực có tay nghề - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Doanh nghiệp cần nhiều lao động có trình độ nghề (Ảnh: Falmi).

Tuy nhiên, nguồn cung lại có sự lệch pha nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021 có gần 36% là người có trình độ đại học, hơn 26% là lao động chưa qua đào tạo, còn lao động có trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) chỉ chiếm hơn 38%.

Những con số trên cho thấy, doanh nghiệp cần rất nhiều lao động có trình độ nghề mà nguồn đào tạo chỉ đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu, còn lao động trình độ đại học và lao động chưa qua đào tạo lại dư thừa.

TPHCM: Thị trường lao động khát nhân lực có tay nghề - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Cơ cấu trình độ chuyên môn của người đi tìm việc lệch pha rất lớn so với nhu cầu của doanh nghiệp (Ảnh: Falmi).

Lao động phải có tay nghề

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (Hội GDNN TPHCM), một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho rằng, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên ở các đô thị lớn như TPHCM cũng chỉ dao động trong tỷ lệ 15% - 18% tổng nhu cầu nhân lực, ở các tỉnh lẻ thì tỷ lệ này càng thấp hơn nữa nhưng nguồn cung lao động trình độ đại học lại quá cao. Điều này dẫn đến thực trạng là một bộ phận khá lớn sinh viên đại học tốt nghiệp không tìm được việc làm.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thị trường nhân lực, ông Trần Anh Tuấn ước chừng có hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam phải chấp nhận làm những công việc trái ngành, hoặc tìm được công việc phù hợp ngành mình học thì họ phải làm ở các vị trí việc làm cần trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp).

Trong khi đó, nhu cầu lớn nhất là lao động có trình độ nghề luôn chiếm khoảng 70% thị trường nhân lực nhưng lâu nay lại thiếu hụt ở tất cả các ngành nghề. Trong thời gian tới, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu công tác phân luồng vào trường nghề không được cải thiện, vì nhu cầu lao động có trình độ nghề sẽ còn tăng cao hơn.

TPHCM: Thị trường lao động khát nhân lực có tay nghề - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Thiếu hụt lớn nhất của thị trường nhân lực hiện nay là lao động có tay nghề (Ảnh: Cao đẳng Viễn Đông).

Một xu hướng khác của thị trường nhân lực trong thời gian tới là nhu cầu lao động chưa qua đào tạo sẽ ngày càng thấp, người không có tay nghề sẽ bị đào thải và cơ hội tìm được việc rất khó.

Phó Chủ tịch Hội GDNN TPHCM nhấn mạnh, lao động thời đại 4.0 là phải có tay nghề chuyên nghiệp, càng giỏi kỹ năng nghề thì càng có nhiều cơ hội thành công.

Nguyên nhân là các vị trí việc làm thao tác đơn giản, không cần kỹ năng sẽ dần bị robot thay thế, người lao động chưa qua đào tạo sẽ bị đào thải hàng loạt. Những công việc cần lao động có kỹ năng nghề, thao tác phức tạp sẽ khó bị thay thế vì robot làm được những công việc này đều có giá cả đắt đỏ và khó phổ biến ở các nhà máy.

Tùng Nguyên