Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0

Tại buổi lễ diễn ra ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho hay, năm học 2021-2022 này là năm mà giáo dục nghề nghiệp thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển quan trọng của đất nước và của ngành, trong đó phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

“Chủ tịch nước có Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động "Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng" nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, theo đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên, vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”, ông Dũng nói. 

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đặt một số kỳ vọng đối với giáo dục nghề nghiệp.

Thứ nhất, đó là tiếp tục khẳng định và bám sát yêu cầu phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, trọng tâm là hiện đại hoá để đào tạo nhân lực chất lượng cao, phổ cập nghề cho thanh niên, chú trọng đào tạo lại, đào tạo cho các đối tượng nhóm yếu thế gắn với việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Tập trung thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá trong giáo dục nghề nghiệp; gắn giáo dục nghề nghiệp với học suốt đời và giáo dục nghề nghiệp cho tất cả mọi người.

Làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động để đào tạo theo nhu cầu. Đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo, việc làm sau đào tạo, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh. 

Hiện đại hoá hệ thống quản lý nhà nước, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý phát triển giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở chuyển đổi số mạnh mẽ.

Hình thành mạng lưới liên kết, chia sẻ nguồn lực, trí tuệ, cơ sở vật chất, thông tin để đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hợp tác cùng phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng và ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. 

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đặt niềm tin và kỳ vọng đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. 

Theo ông Dũng, những năm vừa qua, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động có tính chiến lược và ý nghĩa quan trọng.

Ông Dũng dẫn chứng, hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến; nhiều nhà giáo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và địa phương đã khắc phục mọi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nền tảng kỹ thuật kết nối để tham gia hội giảng.

“Những đổi mới tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm nay cho thấy sự chú ý của xã hội về năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, về chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, mà thông qua đó, hoạt động trình giảng của các nhà giáo tạo động lực đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy. Mỗi bài giảng là minh chứng sống động nhất cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, thể hiện nỗ lực làm mới của người thầy trước biến đổi của khoa học công nghệ”, ông Dũng nói. 

Nỗ lực làm mới của giáo dục nghề nghiệp thời 4.0
 

Ông Dũng cho rằng, muốn có được đội ngũ nhà giáo chất lượng, quản lý giáo dục nghề nghiệp giỏi, chất lượng và tâm huyết thì cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số. Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Cần chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, để người thầy thực sự là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo.

Đặc biệt, phải đặt trọn niềm tin ở các thầy cô giáo và cán bộ quản lý trong việc không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhất là kỹ năng số và ngoại ngữ; đồng thời luôn sáng tạo và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Hải Nguyên