Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN; lãnh đạo Tổng cục và các cục, vụ thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); lãnh đạo các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu của ĐHQGHN, các trường đào tạo nghề chất lượng cao thí điểm theo tiêu chuẩn của các quốc gia Úc, Đức; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kĩ thuật - công nghệ.

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển các chương trình đào tạo về lĩnh vực kĩ thuật - công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Hội thảo đóng góp trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN. Việc đẩy mạnh các ngành kỹ thuật - công nghệ sẽ góp phần phát huy thế mạnh mô hình đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN. Ông cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 4.0, với mục tiêu 25% quy mô sinh viên các ngành này.

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân.

Giám đốc Lê Quân cho rằng, hội thảo là dịp để các đại biểu cùng bàn thảo các ngành nghề, bối cảnh, xu hướng mới cùng một số vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ. Nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế.

ĐHQGHN mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ.

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng, họ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ: Công nghệ tin học và Ngoại ngữ.

Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thay đổi.

"Việc đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động" - thứ trưởng nhấn mạnh. 

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng.

Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kỳ vọng đại diện lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học ĐHQGHN với vai trò là đầu tàu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực kĩ thuật - công nghệ; về thực hiện trách nhiệm quốc gia của hai bên với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Tại hội thảo, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức cho biết, hiện nay quy mô sinh viên đại học chính quy các ngành này tại ĐHQGHN chiếm 22%. Đặc thù đào tạo các ngành liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại ĐHQGHN là  điều phối nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách; chương trình đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm dùng chung.

Theo đó, các ngành kỹ thuật - công nghệ của ĐHQGHN bắt nhịp với xu thế mới, từ đó tăng nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học; phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới về nguồn lực chất lượng cao.

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã chia sẻ về định hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư; hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của VIệt Nam và nước ngoài; trao đổi giảng viên, chuyên gia quốc tế…

Được biết, hiện nay mạng lưới cơ sở GDNN là 1.911 cơ sở với 1.142.820 học viên. 

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Tổng cục đã thực hiện Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012 - 2015 (Đề án 371), từ năm 2014 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và Đức (12 nghề từ Úc, 22 nghề từ Đức).

Người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Chia sẻ về nguyên nhân cần phải đào tạo liên thông giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, ông Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao Thắng cho hay, xuất phát từ đơn vị sử dụng lao động đó là nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động cũng như nhu cầu học tập suốt đời của các cá nhân.

Để nâng cao hiệu quả, ông Lê Đình Kha cho rằng cần đa dạng hóa hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy; các trường đại học nên công bố lộ trình tăng học phí; cần có đội ngũ hỗ trợ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người học và tư vấn hỗ trợ kịp thời nhằm hỗ trợ người học duy trì mục tiêu học tập; vận động doanh nghiệp hỗ trợ người học trong quá trình tham gia học liên thông.

Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Nhân dịp này, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 03 trường Cao đẳng thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức trước sự chứng kiến của lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.

Tại hội thảo, chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN Lê Trung Thành cho biết, các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ tại Khoa tập trung vào các lĩnh vực then chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Quy mô và chất lượng tuyển sinh các ngành kĩ thuật công nghệ tại Khoa Quốc tế liên tục tăng trong những năm qua.

Ông cũng chia sẻ, Khoa Quốc tế xây dựng quy hoạch các ngành kỹ thuật - công nghệ trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh các nguồn lực của cộng đồng "One VNU": nhân lực, cơ sở vật chất, các mối quan hệ, sứ mệnh, trách nhiệm xã hội, chỉ số cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo. Trong đó, nguồn lực khoa học cơ bản làm nền tảng cho khoa học ứng dụng, kỹ thuật công nghệ.

Hội thảo là cơ sở để ĐHQGHN và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cùng đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ - kỹ thuật chất lượng cao dựa trên cơ sở tận dụng lợi thế, nguồn lực của mỗi bên nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. 

Theo các báo cáo về thị trường lao động ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành kinh tế dịch vụ chiếm >80% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó các ngành kĩ thuật - công nghệ chiếm tỷ trọng lớn và nằm trong "top" có nhu cầu cao nhất.

Đặc biệt, một số báo cáo còn điểm mặt một số ngành rất cụ thể có tăng trưởng nóng nhất về nhu cầu nhân sự liên quan đến các xu hướng công nghệ hàng đầu đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain, Robot…

Thực tế với hơn 56 triệu lao động chiếm 57% dân số thì Việt Nam được đánh giá đang ở trong thời kỳ dân số vàng, dồi dào về số lượng lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên về chất lượng nguồn nhân lực đang đối diện với nhiều thách thức. Theo Navigos Research, sự thiếu hụt nhân lực công nghệ - kĩ thuật tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã phải đóng cửa trong thời gian qua.

Nhật Hồng