Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Tái cấu trúc nền kinh tế từ doanh nghiệp

Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế... là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025.

Cần vai trò chủ động của doanh nghiệp

Nói về Kế hoạch Tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 là sự tiếp nối Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả, tạo ra nhiều thay đổi trong mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo bà Minh, kế hoạch những năm 2021-2025 cần có sự kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu trong giai đoạn trước; đặc biệt là ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá, lan truyền sang các lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, bối cảnh dịch Covid-19 đã cho thấy những bất cập và khó khăn khi thiếu vắng các thể chế tạo động lực cho liên kết vùng, liên kết ngành nghề. Chính vì vậy, gắn kết, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, tạo ra lực đẩy cho vùng kinh tế đô thị cũng đã được đặt ra trong kế hoạch tái cơ cấu lần này.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

"Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp", ông Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp phải tính tới việc tái cơ cấu, bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Ecomomica Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Vì thế, tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam không chỉ thể hiện ở cơ cấu GDP mà còn thể hiện ở sự khác biệt về giá trị gia tăng của các nền kinh tế khác nhau.

Những giải pháp toàn diện

Chính vì tầm quan trọng của doanh nghiệp, nên theo các chuyên gia, Nhà nước cần tạo ra một "không gian mới" cho khu vực kinh tế tư nhân trong cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Lê Duy Bình, vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp hiện nay là năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá rất thấp trong khu vực Đông Nam Á, cơ cấu doanh nghiệp thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi những doanh nghiệp vừa mới có nhiều tiềm năng để trở thành doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng quy mô…

“Chúng ta cần xem xét lại làm sao để hình thành doanh nghiệp cỡ vừa, không thể để cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam lệch như hiện nay. Để khoảng 10 năm nữa, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam thay đổi”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý về khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững khi hiện trên 50% doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động thua lỗ hoặc hòa vốn. Cùng với đó là phải tiếp tục cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đóng góp cho việc mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam…

Ở góc độ khác, theo các chuyên gia, cấu trúc lại thị trường lao động trong giai đoạn tới khi chúng ta cấu trúc lại nền kinh tế cũng là vấn đề cần quan tâm. TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, nhu cầu lao động có kĩ năng sẽ tăng cao. Thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm là: kỹ năng thấp lương thấp và kỹ năng cao lương cao. Vì thế, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên có liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường trí thức cho người lao động trong tình hình mới.

"Về dài hạn, doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đồng hành với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, cùng có trách nhiệm xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy người sử dụng lao động phát triển nhân lực có kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế", TS Trương Anh Dũng khuyến nghị.