Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Kiểm định chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo

Tại hội thảo “Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN” do Tổng cục GDNN phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của các cơ sở GDNN tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, công tác kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng GDNN được nhiều đại biểu quan tâm.

 

Công cụ bảo đảm chất lượng GDNN

 

Bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu điểm, nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp để trường sửa đổi phù hợp. Từ năm học 2020-2021, nhiều cơ sở GDNN quan tâm đến công tác này.

 

Đầu năm 2021, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, nhiều năm qua, nhà trường luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên tổ chức tự đánh giá để không ngừng cải thiện năng lực quản trị, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp. “Xác định lấy kiểm định chất lượng GDNN làm thước đo chất lượng đào tạo, nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình, giáo trình… Đặc biệt, trường đã tích cực phối hợp với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để trao đổi thông tin, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho hàng ngàn học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp”, TS Trần Kim Quyên nhấn mạnh.

 

Theo thống kê của Tổng cục GDNN, hai năm qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng đến thời điểm này, cả nước đã kiểm định được hơn 40 trường và rất nhiều chương trình. Điều này thể hiện hệ thống vận hành đã thực hiện tốt.

 

Khẳng định và đánh giá cao hệ thống kiểm định chất lượng GDNN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, phải biến kiểm định chất lượng GDNN thành văn hóa. “Không phải trường được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định là được mà chúng ta phải tuyển sinh tốt hơn, dạy học tốt hơn, nguồn lao động trường đào tạo ra phải được doanh nghiệp chấp nhận, chào đón hơn. Chúng ta phải luôn luôn không ngừng cải tiến, cải tạo mình. Các công cụ này, công cụ kia đều phải hướng đến hiệu quả, còn xét đến cùng đánh giá trong, đánh giá ngoài cũng chỉ giới hạn trong một khoảng thời điểm”, ông Bình nói.

 

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

 

Trong những năm vừa qua, nhìn chung, chất lượng và hiệu quả đào tạo GDNN có bước chuyển biến tích cực, từng bước gắn đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.

 

Tại Phú Yên, theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, hiện tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,65%. Trong những năm đến, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 25.000 lao động/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, lấy mục tiêu giải quyết việc làm để làm cơ sở cho đào tạo nghề, tập trung cho công tác xuất khẩu lao động. Tỉnh cũng đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hiện đại, thống nhất trên toàn quốc và từng bước kết nối với các nước trong khu vực, trên thế giới; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công về lao động, kết nối việc làm trên nền tảng kỹ thuật số… Vậy nên kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một trong những công cụ quan trọng để các cơ sở đào tạo đáp ứng những mục tiêu này.

 

Hiện nay khi mà dạy nghề đang hướng tới đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, và thực hiện đào tạo theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thì vấn đề kiểm định chất lượng GDNN càng được chú trọng.

 

Và để công tác kiểm định chất lượng GDNN đi vào thực chất và hiệu quả, thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở GDNN, công tác tự đánh giá chất lượng GDNN tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng trong các cơ sở GDNN; tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN về triển khai, áp dụng các công cụ đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở GDNN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng GDNN, huy động sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể liên quan đến GDNN, đặc biệt là người học và người sử dụng lao động…

 

THÚY HẰNG