Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Chương trình 9+, hướng đi dành cho học sinh trượt lớp 10 công lập

Mô hình 9+ đang chiếm ưu thế

Sau khi TPHCM chính thức công bố điểm chuẩn thi tuyển lớp 10 công lập, trên các diễn đàn dành cho học sinh tràn ngập câu hỏi "em có thể làm gì khi rớt cả 3 nguyện vọng?", nhiều em cảm thấy tủi thân vì không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ.

Em H.Phước chia sẻ: "Đến giờ thật sự tôi không tin là mình đã rớt hết tất cả 3 nguyện vọng luôn. Thấy các bạn đậu nhiều trường tôi thấy tủi thân lắm, con xin lỗi ba mẹ rất nhiều, con là một thằng ham chơi, ngu ngốc. Con xin lỗi!".

Còn em N.T.Nghi rất bi quan: "Em rớt hết 3 nguyện vọng rồi, bây giờ em nên làm gì hả mọi người? Bây giờ em bế tắc. Em không muốn nghỉ học rồi ăn bám cha mẹ đâu!".

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GNNN) TPHCM, các em học sinh đừng quá lo lắng khi không vào được lớp 10 công lập. Bởi với hệ thống giáo dục đầy đủ như hiện nay, các em có rất nhiều con đường để lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS; đó là tiếp tục học văn hóa, học nghề tại hệ thống GDNN, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập...

Ông Tuấn cho biết: "Trong những năm gần đây, một hướng đi mới sau khi tốt nghiệp THCS đang nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của xã hội là chương trình học 9+, kết hợp học nghề và học văn hóa trung học phổ thông (THPT)".

Chương trình 9+, hướng đi dành cho học sinh trượt lớp 10 công lập - 1

Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có rất nhiều con đường để lựa chọn.

Trao đổi cùng PV Dân trí, thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Viễn Đông chia sẻ: "Tính đến tuần này thì trường đã tuyển đủ chỉ tiêu 600 học sinh lớp 10 hệ 9+ mà trường đăng ký trong năm học 2022-2023, cuối tuần này sẽ chốt sổ".

Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cho biết là tình hình tuyển sinh 9+ năm nay thuận lợi hơn các năm trước nhờ phụ huynh ngày càng thấy được lợi ích từ mô hình này. Hiện CĐ Bách khoa Sài Gòn đã tuyển được 90% chỉ tiêu đăng ký và dự báo sẽ nhanh chóng tuyển đủ trong tuần sau.

Công tác tuyển sinh hệ 9+ tại các trường CĐ lớn khác như CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Lý Tự Trọng TPHCM, CĐ Quốc tế TPHCM… cũng đang diễn ra rất thuận lợi, hầu hết các trường đều tuyển đạt trên 50% chỉ tiêu đăng ký.

Có thể liên thông, lấy bằng đại học trong 1-1,5 năm

Theo ông Trần Anh Tuấn, mô hình 9+ đang chiếm ưu thế lớn trong việc thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vì mang lại nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, điều kiện tuyển sinh dễ hơn, học sinh vẫn có cơ hội hoàn thành chương trình học phổ thông, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường lại rất lớn.

Ngoài ra, mô hình này rất linh động để học sinh có thể lựa chọn con đường nghề nghiệp, có thể dừng việc học để làm nghề ngay hay theo đuổi việc học tập lâu dài.

Cụ thể, chỉ cần học 3 năm là các em có bằng Trung cấp (TC) và bằng THPT (9+3) để ra trường làm việc được ngay, học thêm 1 năm các em có thêm bằng CĐ (9+3+1) và có thể liên thông, lấy bằng ĐH trong 1-1,5 năm (đã có bằng CĐ), hoặc 2-3 năm (đã có bằng TC).

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, đây là mô hình đào tạo CĐ cộng đồng như ở Mỹ. Trường CĐ Viễn Đông áp dụng mô hình này từ lâu và hoàn thiện cho các em học sinh theo học liên thông từ TC cho đến ĐH.

Ông nói: "Sau khi hoàn thành chương trình CĐ, tùy nguyện vọng mà các em có thể ra trường hoặc xin xét tuyển liên thông ĐH tại các trường ĐH uy tín có liên kết với nhà trường. Các em khối ngành kinh tế, ngoại ngữ… sẽ học thêm 1 năm. Các em khối ngành kỹ thuật học thêm 1,5 năm".

Chương trình 9+, hướng đi dành cho học sinh trượt lớp 10 công lập - 2

Ngày càng nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn theo học hệ 9+ tại các cơ sở GDNN.

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, điểm đặc biệt là chương trình đào tạo của hệ 9+ tại hệ thống GDNN (các trường TC, CĐ) rất phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới theo chế độ phân ban áp dụng cho lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải khẳng định các trường nghề chiếm ưu thế rất lớn khi áp dụng chương trình học phân ban, vì họ có sẵn trang thiết bị để giúp học sinh theo học các khối Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) tiếp cận thực tế.

Còn ông Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết, thế mạnh của mô hình 9+ ở trường CĐ Bách khoa Sài Gòn là liên kết với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước để sinh viên tất cả các ngành có thể đi kiến tập thực tế hiệu quả.

Nhờ chương trình học nghề thực tế nên sinh viên đáp ứng được điều kiện làm thực tập sinh, những em nào có nguyện vọng sẽ được học ngoại ngữ ngay từ ngày vào trường, 100% sinh viên đạt yêu cầu ngoại ngữ sẽ đi thực tập cuối khóa có lương (6-8 tháng) ở nước ngoài.

Theo ông Tiến, sinh viên CĐ Bách khoa Sài Gòn có thể thực tập cuối khóa ở các nước Châu Á như Nhật, Singapore, Đài Loan, Úc… Những em muốn thực tập ở Châu Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển…) thì khó hơn vì các em phải có điều kiện để chứng minh tài chính.

Theo dantri.com.vn