Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

TP.HCM trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất

Ngày 2-12, UBND TP.HCM tổ chức trao tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Đây là giải thưởng đầu tiên được thành phố triển khai nhằm vinh danh các thầy cô giáo, nhà quản lý đang giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.

"Mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng"

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chia sẻ giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khi đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Đội ngũ lao động này có năng lực, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ông Đức cho biết hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM có 371 cơ sở, hằng năm cung ứng cho thị trường lao động 125.000 người.

Chất lượng đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thành phố. Tỉ lệ người học có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh góp phần cho sự thành công, phát triển của giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

TP.HCM trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Bá Thảo Dung - trưởng khoa khoa múa nước ngoài, Trường trung cấp Múa TP.HCM - là một trong các thầy cô được trao giải Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông đề nghị lãnh đạo các cơ quan chủ quản, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Ông Đức cho rằng hằng năm các trường cần có kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức.

Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng đề nghị các trường cần tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội cho người học về vai trò, vị trí học nghề.

Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

"Mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, về năng lực chuyên môn cho người học noi theo, là cán bộ truyền thông góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", ông Đức nói.

"Dạy chữ" đã khó, "dạy nghề" khó hơn

TP.HCM trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất - Ảnh 3.

Các thầy cô được trao giải chia sẻ về hành trình dạy nghề của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Là một trong những thầy cô được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2022, thầy Phan Hoàng Dũng - hiệu trưởng Trường trung cấp Bách nghệ TP.HCM - chia sẻ trước nay thầy cô "dạy chữ" đã khó, "dạy nghề" còn khó hơn.

Thách thức của các giáo viên là truyền tải thế nào để sau khoảng thời gian ngắn, học sinh, sinh viên của mình phải biết "làm". Không chỉ "làm thật" mà còn "làm giỏi".

Trong khi đó, theo thầy Dũng, hiện vẫn còn một số định kiến chưa đúng về học nghề. Không ít phụ huynh vẫn mặc định học nghề cực khổ, vất vả, hay phải làm việc chân tay lem luốc.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị trong trường nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tạo thêm thách thức cho người thầy.

"Vì vậy, hơn bao giờ hết, người thầy dạy nghề sẽ cần giữ được ngọn lửa yêu nghề, tận tâm truyền đạt cho học sinh của mình trở thành những người thật sự giỏi nghề.

Đó là cơ sở để tạo thêm niềm tin của cộng đồng cho giáo dục nghề nghiệp, và tạo động lực cho giáo dục nghề nghiệp phát triển trong tương lai", thầy Dũng trăn trở.

TP.HCM trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất - Ảnh 4.

Ông Dương Anh Đức (trái) trao phần quà kỷ niệm cho con trai của cố giáo sư Trần Đại Nghĩa trong lễ trao giải - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thầy Lê Thanh Phong - trưởng khoa điện lạnh, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức, được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần này - cho rằng ngày nay, ngoài kiến thức, đạo đức và kỹ năng, người thầy trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng cần tận dụng tay nghề của mình để tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn kết vào hoạt động phát triển kinh tế. Do đó, một trong những yêu cầu hiện nay là giáo viên nghề sẽ cần biết kết nối với doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, môi trường thực tiễn của doanh nghiệp cũng là nơi cho chính các nhà giáo được học hỏi, rèn luyện thêm về tay nghề, được cập nhật những công nghệ mới. Từ đó, giáo viên sẽ liên tục nâng cao chính mình và đào tạo các thế hệ học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn.

12 thầy cô được vinh danh

0413f7b6298af0d4a99b

Các thầy cô được vinh danh giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các thầy cô được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất bao gồm:

1. Thầy Châu Văn Bảo - phó hiệu trưởng, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM

2. Cô Nguyễn Bá Thảo Dung - trưởng khoa khoa múa nước ngoài, Trường trung cấp Múa TP.HCM

3. Thầy Phan Hoàng Dũng - hiệu trưởng Trường trung cấp Bách Nghệ TP.HCM

4. Thầy Phạm Mạnh Dũng - trưởng phòng quản trị thiết bị, Trường cao đẳng Nghề TP.HCM

5. Thầy Nguyễn Trí Dũng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn

6. Thầy Lâm Viết Dũng - trưởng phòng tổ chức Hành chính - tổng hợp, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM

7. Cô Trần Thị Bạch Đào - trưởng phòng tổ chức hành chính, Trường cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn

8. Thầy Lê Thanh Phong - trưởng khoa điện lạnh, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức

9. Cô Đoàn Phúc Linh Tâm - trưởng khoa múa dân gian dân tộc, Trường trung cấp Múa TP.HCM

10. Thầy Nguyễn Công Thành - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

11. Thầy Bùi Mạnh Tuân - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM

12. Thầy Bốc Minh Trí - nhà giáo, Trường trung cấp Bách Nghệ TP.HCM

Vai trò quan trọng của nhà giáo dạy nghề

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tổng số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp là 14.157 người, trong đó có 1.912 cán bộ quản lý (13,5%), 12.245 nhà giáo (86,5%), 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho rằng đã đến lúc mỗi chúng ta cần thừa nhận tầm quan trọng của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa sự cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Các thầy cô chính là những người thợ giỏi, miệt mài đào tạo ra những người thợ tiếp nối, những người lao động có tay nghề, có kỹ năng để phát triển xã hội.