Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Đào tạo nghề, yếu tố cốt lõi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

*Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 203 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35 - 40% vào năm 2030. Xin ông cho biết các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu trên?

Trước tiên cần khẳng định, Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quan điểm về phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương… Để sớm khôi phục, ổn định nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để ổn định và phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua đầu năm 2022.

Xác định khôi phục, ổn định và phát triển thị trường lao động là yếu tố quyết định đến quá trình phục hồi, tăng trưởng và phát triển kinh tế, tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Tại Hội nghị  này, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành, lĩnh vực.

Xác định để phát triển, nâng cao chất lượng thị trường lao động, Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhóm 8 giải pháp, trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là cải cách thể chế; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động và chuyển đổi số trong GDNN để hướng tới nguồn nhân lực qua đào tạo nghề có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục GDNN tích cực triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về GDNN; tăng cường định hướng, tư vấn về con đường nghề nghiệp, qua đó giúp phụ huynh, học sinh có lựa chọn phù hợp và tham gia vào GDNN; tiếp tục thực hiện việc phân luồng người học và GDNN; đẩy mạnh việc đào tạo ngắn hạn đối với các chương trình đào tạo sơ cấp, gắn với doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho NLĐ trong doanh nghiệp.

Thí sinh đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại Leonberg, Đức. năm 2022

Thí sinh đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại Leonberg, Đức. năm 2022

*Để nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề của lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) cho khoảng 50% lực lượng lao động. Xin ông cho biết rõ hơn về lộ trình thực hiện mục tiêu này?

Hiện lực lượng lao động (LLLĐ) còn hạn chế về trình độ kỹ năng nghề (KNN) như: Lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đa số (gần 74%) trong LLLĐ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng chung và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; thiếu hụt lao động chất lượng cao, KNN cao phục vụ các đột phá chiến lược; năng suất lao động (NSLĐ) và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới…

Xuất phát từ thực tế trên, tại dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đang được Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương đề xuất 5 trụ cột chính trong hệ sinh thái KNN nhằm nâng cao trình độ KNN cho NLĐ:

Thứ nhất, về chính sách, đề xuất chính sách hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN, đánh giá, công nhận trình độ KNN cho NLĐ, đặc biệt là lao động có KNN cao, lao động yếu thế, lao động vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, lao động là phụ nữ, thanh niên; lao động làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, ngành ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Thứ hai, xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường, công bố trình độ kỹ năng lao động Việt Nam phù hợp với thực tiễn trong nước và so sánh, đối chiếu được với quốc tế. Trong đó có thể so sánh, đối chiếu được với bộ chỉ số thế giới về kỹ năng và việc làm (WISE) do ILO thực hiện được các nền kinh tế G20 sử dụng, các chỉ số trong trụ cột kỹ năng của bộ chỉ số GCI của diễn đàn kinh tế thế giới nhằm đánh giá hằng năm về phát triển KNN của Việt Nam.

Thứ ba, phát triển và xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn KNNQG theo hướng coi trọng NSLĐ, an toàn sức khỏe NLĐ, kỹ năng mềm và kỹ năng số đáp ứng nhu cầu KNN của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước và quốc tế. Trong đó, ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn KNNQG cho các nghề yêu cầu phải có chứng chỉ KNNQG, các nghề phục vụ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… huy động các nguồn lực đảm bảo các hoạt động phát triển KNN, trong đó có tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Thứ tư, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng tiêu chuẩn KNNQG, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công nhận trình độ KNN cho NLĐ, các hoạt động phát triển KNN khác theo quy định. Hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề ở 3 cấp độ nhằm thiết lập cơ chế kết nối thực chất, hiệu quả giữa các bên liên quan.

Thứ năm, đề xuất và thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có KNN, góp phần nâng cao NSLĐ và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho NLĐ dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng NLĐ đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ KNNQG theo quy định của pháp luật.

*Xin ông cho biết kết quả mà hệ thống GDNN đạt được trong năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023?

Có thể khẳng định, công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2022 đã có kết quả tốt hơn so với các năm trước. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đã được các cơ sở GDNN tập trung làm tốt hơn, cùng với các chính sách hỗ trợ người học, hỗ trợ công tác đào tạo nghề của Chính phủ đã có tác động thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo các trình độ trong GDNN.

Để đạt được những kết quả trên, năm 2022, Tổng cục GDNN đã tổ chức và triển khai các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Chương trình chuyển đổi số trong GDNN, các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về GDNN.

Đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu GDNN, dịch vụ công trực tuyến và phối hợp với Tổ chức IOM xây dựng nền tảng học tập trực tuyến công dân số để giúp các cơ sở GDNN, người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức…

GDNN chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững. Nhiều khó khăn do công tác phân luồng, tâm lý trọng bằng cấp, gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Công tác chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 chưa được triển khai rộng rãi... Điều này đòi hỏi GDNN cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Vì vậy, trong năm 2023, GDNN cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tăng cường truyền thông về lao động có KNN để nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về GDNN; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về GDNN; tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN để người học hiểu rõ về quy trình và đòi hỏi của doanh nghiệp, xã hội đối với ngành nghề đang học; triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong GDNN tại trung ương và các cơ sở GDNN để nâng cao hiệu quả quản lý, đào tạo, giảng dạy trong hệ thống; tập trung đào tạo các chương trình chất lượng cao trong toàn hệ thống; tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp sư phạm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Lý (thực hiện)