Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Sức hút nghề Điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức tại BCi

Cùng với nghề Cắt gọt kim loại, được sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ), trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi) là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đón nhận chương trình chuyển giao đào tạo theo mô hình chuẩn CHLB Đức nghề Điện tử công nghiệp.

Theo đó, năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên nhà trường triển khai tuyển sinh và đào tạo, với tổng số 31 sinh viên.

Học nghề có chuyên gia nước ngoài thẩm định

Nhịp sống trường nghề thời 4.0 đã có những bước đi mạnh dạn bằng một cơ chế mở, linh hoạt, luôn lĩnh hội cái mới, phù hợp để hội nhập phát triển…Tại trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, sinh viên được học cùng thầy giáo nước ngoài đã không còn là chuyện xa lạ.

Ông Mario – Chuyên gia nghề Điện tử công nghiệp của tổ chức GIZ kiểm tra, thẩm định kết quả Mô-đun 1 cho các sinh viên BCi.
 

Đối với các em sinh viên đang học nghề Điện tử công nghiệp, bên cạnh sự truyền thụ kỹ năng trực tiếp của những giáo viên Việt Nam, còn có sự hướng dẫn, giám sát tận tình của chuyên gia nước ngoài đến từ tổ chức GIZ – thầy Mario.

Đam mê với nghề đã chọn, các em đều cảm thấy thích thú trong suốt quá trình học tập, thực hành với sự giám sát, đánh giá của chuyên gia nước ngoài. Sự nỗ lực của mỗi sinh viên, đặc biệt là trong học tập ngoại ngữ tiếng Anh đã giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.

Nắm bắt được xu hướng phát triển của nghề Điện tử công nghiệp khi nhiều doanh nghiệp ở Bắc Ninh cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao, lại biết BCi đào tạo nghề này theo tiêu chuẩn Đức, sinh viên Nguyễn Hữu Đạt (SN 2004) đã đăng ký theo học.

Sinh viên Nguyễn Hữu Đạt trong giờ thực hành

Vừa bước ra khỏi kỳ thi đánh giá mô-đun 1, Đạt phấn khởi cho biết: “Em vừa hoàn thành đợt kiểm tra đánh giá mô-đun 1 dưới sự giám sát của thầy Mario. Các mô-đun chương trình học được bố trí phù hợp theo từng giai đoạn, các nội dung học được xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp tại xưởng nên rất dễ hiểu. Sắp tới, chúng em sẽ được học các mô-đun khó hơn nhưng em nghĩ sẽ rất thú vị, hấp dẫn bởi được tiếp cận công nghệ mới về điều khiển và giám sát hệ thống nhà máy SCADA và IoT, Robot, điều khiển nén thủy lực…”.

Đánh giá kết quả học nghề Điện tử công nghiệp của sinh viên nhà trường, ông Mario – Chuyên gia tổ chức GIZ cho hay: “Các em sinh viên của trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đều có thái độ học tập tích cực, chăm chỉ rèn luyện và khả năng tiếp thu kiến thức nhanh. Sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp đồng hành đào tạo, giúp sinh viên nhà trường nắm bắt và cập nhật công nghệ mới là hướng đi tất yếu. Quá trình học hỏi, trau dồi và hoàn thiện kỹ năng của sinh viên sẽ từng bước được khẳng định thông qua các mô-đun tiếp theo trong thời gian tới”.

Bỏ làm công nhân, quyết tâm theo học Điện tử công nghiệp

Đặc biệt hơn, sinh viên Nguyễn Văn Cường (SN 2000) và nữ sinh Võ Hoàng Giang (SN 2003) từng có thời gian đi làm công nhân ở các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, ở vị trí việc làm phổ thông, công việc vất vả khiến Cường và Giang nhàm chán bởi không có kỹ năng chuyên môn để phát triển bản thân khiến tương lai không chắc chắn.

Sinh viên Võ Hoàng Giang (SN 2003) làm bài kiểm tra đánh giá kết thúc mô-đun 1

Gắn bó với công việc phổ thông được gần 4 năm, với mức thu nhập khá ổn từ 10-12 triệu/tháng, nhưng vì muốn học nghề để thay đổi chính mình đồng thời nhận thấy doanh nghiệp cũng cần đến kỹ thuật viên điện tử công nghiệp nên Cường và Giang đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu trở thành kỹ sư thực hành nghề Điện tử công nghiệp.

Cường bày tỏ: “Theo chương trình, hoàn thành 10 mô-đun là được công nhận kỹ sư thực hành và hoàn thành 12 mô-đun, sẽ được cấp chứng nhận của CHLB Đức. Khi đó, chúng em không chỉ có nhiều cơ hội việc làm, mức thu nhập cao tại các doanh nghiệp trong nước, mà còn có cơ hội được tham gia thị trường lao động quốc tế”.

Sinh viên Nguyễn Văn Cường bỏ làm công nhân, quyết tâm theo học nghề Điện tử công nghiệp.

“Choáng” với chất lượng đầu vào của sinh viên nghề Điện tử Công nghiệp

Không thua kém các trường Đại học xét tuyển các khối ngành kỹ thuật, cũng là xét tuyển sinh viên đăng ký vào trường nghề, nhưng sự khác biệt đối với nghề Điện tử công nghiệp chuẩn CHLB Đức tại BCi là xét tuyển có chọn lọc. Bởi tính chất đặc thù của nghề không chỉ đòi hỏi kỹ năng của đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo…, mà còn cần đến sự tích hợp trong tư duy tính toán, thiết kế, lập trình…

Các sinh viên nghề Điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức tại buổi kiểm tra đánh giá kết thúc mô-đun 1

Qua đó, phương thức xét tuyển là điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ, với điều kiện học sinh khá giỏi trở lên ở các khối A1, D1, A2 liên quan đến các môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh.

Những sinh viên như Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Văn Cường, Võ Hoàng Giang, Ngô Thị Minh đều có điểm học bạ khá giỏi từ 7.8  đến 8.6… Còn nhiều sinh viên khác cũng đạt điểm thi tốt nghiệp THPT có mức từ 22 điểm trở lên.

Thầy Vũ Quang Khuê – Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 rất quan trọng. Qua sàng lọc chất lượng đầu vào, các sinh viên chuyên ngành Điện, Điện tử và đặc biệt là lớp Điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức có thể nói là chuẩn mẫu.

Nghề Điện tử Công nghiệp đòi hỏi chất lượng đầu vào từ khá giỏi trở lên.

Các em có ý thức, thái độ học tập tốt, luôn có tinh thần ham học hỏi và sáng tạo. Hàm lượng kiến thức luôn đòi hỏi đến tư duy toán học và trình độ ngoại ngữ, các em đều vận dụng khá tốt để có thể tiếp cận, hiểu được các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Cam kết chuẩn đầu ra, sinh viên được các doanh nghiệp “đón đầu”

Nói về tính ưu việt của chương trình đào tạo này, thầy Vũ Quang Khuê – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình đào tạo có tích tích hợp cao và logic, đảm bảo cho người học hoàn toàn đủ năng lực, kỹ năng tham gia trực tiếp sản xuất. Người học được phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng làm việc nhóm.

Thầy Vũ Quang Khuê – Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Chất lượng đầu vào tốt sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao tốt”.

Đây là phương pháp dạy học mang tính dự án, giúp sinh viên nắm bắt và làm chủ quy trình (từ thiết kế, lập trình, lắp ráp, vận hành…), giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Đó chính là một bài tập lớn để sinh viên nghề Điện tử công nghiệp thực học, thực hành đảm bảo chất lượng đầu ra theo đúng tiêu chí của GIZ, cũng như đáp ứng đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, chỉ tính riêng sinh viên vừa kết thúc mô-đun 1, đã có sự tích hợp về nhận diện linh kiện, thiết kế mạch điện tử, rồi chế tạo lắp ráp 1 mô-đun tích hợp chuẩn Đức đã bằng 5 mô- đun nhỏ theo chương trình đào tạo của Việt Nam.

Với thời gian đào tạo 2,5 năm, sinh viên nghề Điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức được đào tạo theo mô hình tích lũy mô-đun tín chỉ, học lý thuyết song song với thực hành. Đặc biệt, nhà trường và các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Goertek, Tập đoàn Foxconn Hồng Hải, Symkos… là những doanh nghiệp và là đối tác chiến lược của nhà trường cùng đào tạo song hành, cùng đánh giá và thẩm định chất lượng đầu ra.

Do vậy, cơ hội nghề nghiệp của  các sinh viên nghề Điện tử công nghiệp chuẩn CHLB Đức luôn được các doanh nghiệp “trải thảm”, sẵn sàng tuyển dụng, hứa hẹn với mức thu nhập từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.

nghenghiepcuocsong.vn