Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

“Có nghề rồi hãy cưới các con ơi!"

Dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh đồng bào dân tộc sau THCS là mô hình các thầy cô giáo cùng Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp theo đuổi dù vô cùng nhiều khó khăn, thách thức.

“Thương lắm, yêu lắm”

3 năm trước, khi thầy Khuất Quang Tuấn mới về nhận trọng trách Hiệu trưởng, học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Thái Nguyên) hãy còn thưa thớt, khu nội trú dăm bảy chục em, tuyển sinh gặp vô vàn khó khăn.

Học sinh vùng cao, đồng bào dân tộc vẫn chưa nhận được sự quan tâm, hướng nghiệp đúng lúc, đúng hướng. Tương lai của các em phần lớn trông vào ruộng vườn, nương rãy. Các em chưa biết đến những cơ hội, những chương trình hấp dẫn của khối trường tư thục, trường nghề theo mô hình mới, hiện đại dành học sinh có năng lực học tập hạn chế, thi không đỗ hệ thống THPT công lập.
“Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào. Thương lắm, yêu lắm! Thầy cô lên tận nơi đón về trường học", thầy Tuấn chia sẻ.

Học sinh vùng cao đi học, học phí được Nhà nước hỗ trợ. Trường miễn tiền sinh hoạt phí gồm điện, nước, ăn uống, thậm chí còn tạo việc cho các em vừa có thêm thu nhập gửi về gia đình.

Để hướng nghiệp, thu hút học sinh đến học, toàn thể ban giám hiệu, thầy cô giáo trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp đã thực hiện theo phương châm “Mỗi thầy cô giáo đều giữ vai trò của một cán bộ tuyển sinh”.

Học viên người Mông ở xưởng vừa học vừa làm và vừa có thu nhập.

Trong khuôn viên xưởng rộng, học viên chia thành nhiều khu vực đang tập trung gia công các thiết bị, linh kiện điện tử. 2K7, lứa học sinh mới nhất của trường thuộc lớp điện. Con trai, con gái 15, 16 tuổi mà nhỏ thó, bẽn lẽn nhưng ráp nối mạch điện thoăn thoắt.

Lý My Mua, người Mông ở Hà Giang sau khi được các cô dạy THCS tư vấn đã đồng ý về trường học nghề điện. Gia đình khó khăn, dưới Mua còn một em trai nữa. Về trường học, em được tham gia ngay việc lắp ráp linh kiện ở xưởng trường. Ngoài khoản thu nhập trên dưới một triệu đồng mỗi tháng, công việc ở đây còn giúp cậu bé người Mông sớm hình dung về ngành học vốn trước đó khá xa lạ.

Thào Mý Cái, đồng hương với Mua cũng về học sau khi được tư vấn hướng nghiệp từ giáo viên trường nghề. Bố mẹ nghe con đi học không mất tiền cũng đồng ý để thầy cô về đón đi. Học ngành điện thực ra quá khó với em nhưng từ khi vào xưởng làm thêm, Cái đã dần hiểu về mạch điện, về kỹ thuật của ngành, về những khái niệm trước đây xa xôi, trừu tượng và mơ hồ.

Làm ở xưởng không chỉ có học viên ngành điện. Ngô Thị Xuân, lớp 21 Cao đẳng kế toán doanh nghiệp mới vào làm ở đây chưa tròn tháng với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cho nhu cầu cá nhân trong điều kiện sống xa nhà. Vì không học chuyên ngành nên Xuân được phân công việc kiểm hàng, phần việc được bản thân em đánh giá khá phù hợp. 

“Cháu chỉ học sáng, chiều rảnh nên đăng ký vào làm. Các em nối dây bên kia, chuyển sang khu vực này để kiểm xem có sai gì so với mẫu không để chuyển ra xe đưa về doanh nghiệp. Việc đơn giản lắm, chỉ học và làm một buổi là quen ngay”, Xuân chia sẻ.

Những công việc kỹ thuật giúp các em có những trải nghiệm về ngành học

Nhà trường mở cho mỗi học viên một tài khoản cá nhân, doanh nghiệp chuyển khoản trả thẳng lương làm thêm cho các em. Nhờ nguồn tiền này, học sinh khối 9+ của nhà trường có thể trang trải thêm nhu cầu sinh hoạt, nhiều em thậm chí còn gửi về hỗ trợ gia đình. Quan trọng hơn, lao động giúp các em tránh khoảng thời gian chết, giảm thiểu  những va chạm, xô xát ở tuổi mới lớn hoặc bị lôi kéo vào các hoạt động thiếu lành mạnh.

“Ươm một vườn hi vọng”

Trải qua hơn 3 năm đại dịch, số học sinh thuộc các dân tộc trên các địa bàn vùng sâu vùng xa được đưa về, 2000 em ở gần kín các dãy nhà kí túc xá (trước đó chưa đầy dăm chục em) đáng được xem như một “kì tích”.

Suốt giai đoạn này, nếu nhà trường không duy trì tuyển sinh đồng nghĩa sẽ mất luôn học viên. Nhưng tuyển thế nào khi các tỉnh đều lần lượt đóng cổng phòng dịch? Dạy học trực tuyến được xem như bất khả kháng với học sinh vùng dân tộc vùng sâu xa. Mô hình 9+ còn đặt nặng cả việc dạy nghề, thực hành chiếm phần lớn thời gian đào tạo. Rất nhiều câu hỏi, nhiều thách thức cần có câu trả lời, cần tháo gỡ.

Trong bối cảnh ấy, thầy Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp chọn lời giải chưa từng có trong tiền lệ. Nhà trường xin các tỉnh cho mượn trung tâm ngay tại địa phương để tuyển sinh nhằm giữ chân học viên, duy trì hoạt động dạy học cho đến khi gỡ lệnh phong tỏa.

Đưa được các em về kí túc xá còn phải lo thu xếp, tổ chức cuộc sống, học tập, lao động hằng ngày sao cho ổn thỏa. “Học sinh vùng cao xuống, đa phần các em thể trạng thấp bé, sức khỏe không bằng các em có điều kiện dinh dưỡng, tập luyện tốt như ở dưới này. Tổ chức bữa ăn tốt sẽ góp phần cải thiện dần. Nhưng khó khăn nhất chính ở sự khác nhau về phong tục, tập quán. Không thể có phương án chung cho tất cả. Thầy cô phải tùy thực tế để có những giải pháp phù hợp”, thầy Nguyễn Chí Nhân, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ngoài học tập, lao động, học viên ở trường còn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, dã ngoại và cả học kỹ năng sống, các kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Thể thao nâng cao thể lực.

Từ sân bóng mở cho ra đời những lớp học viên khỏe mạnh về thể chất.

Nhặt rác trên đường đi đổ rác, một cử chỉ nhỏ cho thấy những thay đổi lớn trong ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của học viên.

Trực tiếp phụ trách khu nội trú, thầy Ong Thế Tuyến như một cuốn sách lưu giữ toàn bộ những câu chuyện của khu nội trú. Từ chuyện học viên mười mấy tuổi, chưa bao giờ thấy cái bồn cầu tự hoại, hướng dẫn sử dụng mãi mới quen đến chuyện cái móc treo quần áo, phát đến từng em, hướng dẫn dùng cẩn thận mà chỉ quay đi quay lại, tất cả bị vặn cho thẳng ra, buộc vào thành giường hay ban công để vắt đồ đã giặt. Trên đồng bào chỉ có khái niệm vắt chứ có phơi móc bao giờ. Các thầy cô phải hướng dẫn từng chút một từ những ngày đầu.

Thầy Tuyến kể, học viên dân tộc còn có đặc trưng nói vẫn nghe, nhưng làm sẽ theo ý riêng. Thầy cô về sau rút kinh nghiệm, nói sẽ cùng các em làm luôn. Dạy thao tác nghề cũng phải quán triệt phương thức này mới hi vọng học viên tiếp thu đúng quy trình sản xuất công nghiệp, đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt ở ngành điện.

“Chăm chút thế mà Tết xong lên đón vẫn mất mấy chục cháu”, thầy Tuyến cười ngậm ngùi.

“Về cưới cả rồi. Xuống đây hướng dẫn, dặn dò đủ kiểu. Nào các con cố học lấy cái nghề, ra trường có việc, nuôi được con rồi hãy lấy vợ lấy chồng. Mà không hiểu quen nhau từ bao giờ, Tết về quê bố mẹ sang nhà nhau rồi cưới luôn”.

Thầy Ong Thế Tuyến, phụ trách nội trú Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp

Giọng thầy Tuyến chùng xuống rưng rưng. Nỗi buồn khó giấu của người dang dở chuyến đò. Lên bản thuyết phục từng gia đình, từng em, đưa được về trường, lo nơi ăn chốn ở, lo chi phí hằng ngày, lo cả việc làm thêm để có thu nhập, học có khi gần xong rồi thì bỏ để chọn con đường khác, khó khăn và mịt mù hơn. Làm thầy, sao không buồn?

Nhưng cũng chẳng bởi thế thầy cô Trường cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp bỏ cuộc. Những lứa học viên vùng cao ra trường tìm được việc, có thu nhập thành động lực để ngày mai, họ lại trên những chuyến xe, tìm đến tận nhà, đón các em về, tiếp tục ươm một vườn hi vọng.

Nụ cười của các em trở thành động lực của cô thầy.

Sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, từ doanh nghiệp sẽ là cần thiết để hành trình hướng nghiệp của thầy cô trường nghề bớt đi khó khăn, điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh vùng cao sau cấp THCS sẽ ngày một tốt hơn.

vov2.vov.vn