Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Cao đẳng Công nghệ Việt- Hàn Bắc Giang: Thần tốc trên con đường chuyển đổi số toàn diện

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nền kinh tế số đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bắt nhịp với mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) quốc gia về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, trường CĐ Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang (VKTECH) đã xác định tâm thế thần tốc trên “xa lộ CĐS”, đánh dấu bằng cuộc cách mạng tư duy CĐS toàn diện, quyết không bị để lại phía sau…

Chuyển đổi nhận thức, vượt qua thách thức

Từ kinh nghiệm thực hiện CĐS, ông Nguyễn Công Thông – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động CĐS phải bắt đầu từ nhận thức, đó là nhận thức của những người tham gia vào quá trình CĐS, bao gồm những người tham gia công tác quản lý nhà trường, nhà giáo giảng dạy và đặc biệt là HSSV. Hai là từ cơ chế, chính sách quy định của nhà trường; thứ ba là phải đầu tư cho CĐS, từ phần mềm, trang thiết bị đến đầu tư nâng cao kỹ năng, dạy và học của nhà giáo cũng như của học HSSV”.

Nắm bắt CĐS là công việc bắt buộc trong tình hình hiện nay, là thước đo của sự phát triển của nhà trường trong kỷ nguyên số. VKTECH đã sớm bắt tay với công cuộc CĐS, đi vào thực chất bằng việc đẩy mạnh tổ chức các chuyên đề, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng nhà giáo, cán bộ quản lý của nhà trường nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS và tạo khí thế cùng nhau xây dựng văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, HSSV toàn trường.

Cùng đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong trường đối với CĐS; xây dựng truyền thông về CĐS, lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động của nhà trường; biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác CĐS.

Bên cạnh việc nâng cao chuyển đổi nhận thức, nói về nguồn lực cho CĐS, Hiệu trưởng Nguyễn Công Thông cho biết, thúc đẩy quá trình CĐS toàn diện, nếu chỉ trông chờ vào nguồn của nhà trường sẽ không đủ.

VKTECH đã tích cực huy động, vận dụng nguồn kinh phí từ các chương trình dự án, ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí thường xuyên, viện trợ, xã hội hóa. Trong đó, sự hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bù đắp khoản thiếu hụt về nguồn nhân lực cũng như khoảng trống về kỹ năng nghề nghiệp đã góp phần cho sự thành công của CĐS trong công tác dạy và học trong thời gian qua.

Quá trình CĐS của nhà trường gắn với hội nhập quốc tế, thông qua các chương trình tham quan, học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm về công nghệ, mô hình triển khai CĐS hoạt động GDNN trong và ngoài nước; các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm CĐS giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường đã hợp tác tốt với các tổ chức quốc tế như GIZ, KOICA, JICA… trong đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đầu tư các giải pháp về CĐS giáo dục nghề nghiệp.

3 lĩnh vực CĐS tại VKTECH

VKTECH tập trung CĐS vào 3 lĩnh vực bao gồm: CĐS trong hoạt động dạy và học; CĐS trong quản trị nhà trường; CĐS trong công tác truyền thông. Kết quả thực tế cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng cao.

Nhà trường đưa ra những mục tiêu hành động cụ thể về bồi dưỡng, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Theo đó, hình thành và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt tham gia xây dựng trực tiếp và triển khai CĐS tại trường. Phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhà giáo được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS; 30% nhà giáo được tập huấn, bồi dưỡng về năng lực số, kỹ năng và phương pháp sư phạm số, năng lực phát triển chương trình và xây dựng học liệu số.

VKTECH đẩy mạnh việc cập nhật nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong nền kinh tế số, xã hội số. Cụ thể là định hướng tới 100% các khoa thực hiện rà soát, cải tiến nội dung đào tạo theo hướng CĐS, tập trung các bài giảng trực tuyến, bài giảng mô phỏng; 100% các ngành nghề đào tạo được tích hợp kiến thức, kỹ năng công nghệ số, phần mềm chuyên ngành vào chương trình đào tạo…

30% nghề đang đào tạo tại VKTECH có ứng dụng CĐS

Hiện nay, nhà trường từng bước triển khai hình thức đào tạo, đánh giá trực tuyến, đào tạo, đánh giá trực tiếp kết hợp trực tuyến. Năm 2023 có 20% các nghề đang đào tạo trực tiếp tại trường được chuyển sang hình thức đào tạo kết hợp (môn học chung, nội dung lý thuyết, lý thuyết liên quan được thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến); phấn đấu 100% các nội dung đào tạo trực tuyến được thực hiện kiểm tra đánh giá trực tuyến; 30% nghề đang đào tạo tại trường có ứng dụng CĐS vào cá thể hóa việc đào tạo. HSSV được linh hoạt lựa chọn đăng ký mô-đun/ môn học, nội dung đào tạo, tùy biến hoạt động ngoại khó, bổ trợ kỹ năng phù hợp với sở trường, thế mạnh và quan tâm của từng người trên nền tảng số.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và khai thác học liệu số. Trong đó, có hệ thống phần mềm cho các môn học, mô-đun giảng dạy của các nghề: Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin; thực hiện chỉnh lý tài liệu lưu trữ của CĐ Công nghệ Việt – Hàn phục vụ cho việc số hóa tài liệu lưu trữ, giúp nhà trường quản lý và khai thác tập trung; triển khai sử dụng kho học liệu tài nguyên số gồm: Bài giảng, giáo trình điện tử, bài giảng mô phỏng và các học liệu khác.

Đối với số hóa hoạt động quản lý, quản trị, nhà trường khai thác và vận hành hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc.. phấn đấu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong môi trường số đạt 100%…

Khám phá lớp học số tại VKTECH

Không ồn ào tiếng động cơ, không mùi dầu máy như những xưởng thực hành nghề truyền thống, tại các lớp học số của VKTECH đơn giản là thiết bị máy tính cài đặt phần mềm, ứng dụng thực hành mô phỏng trên không gian ảo 3D. Giáo viên và HSSV các nghề: Cơ điện tử, Điện tử, Điện tử công nghiệp và Công nghệ ô tô… tại đây đã trở thành giảng viên số, học viên số thuần thục với các thao tác, kỹ năng thực hành trên môi trường số hoàn hảo.

Khác biệt hẳn với những giờ học thực thành trên thiết bị thật, thầy Khuông Văn Đức – giảng viên khoa Điện tử Công nghiệp đứng lớp, cùng một lúc chỉ dẫn thực hành cho cả lớp tới vài chục sinh viên mà vẫn yên tâm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả thầy và trò. Bởi, các mô-đun thực hành mô phỏng trên máy đều được cài đặt phần mềm có tính năng tự động kiểm soát đúng – sai đối với người thực hành kỹ năng, đồng thời cảnh báo lỗi, cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi thực hiện sai thao tác…

Công nghệ thực hành ảo giúp thầy Khuông Văn Đức có thể cùng lúc dễ dàng hướng dẫn thực hành cho vài chục sinh viên mà vẫn đảm bảo an toàn.

Tính ưu việt khi ứng dụng công nghệ mô phỏng thực hành ảo chính là tiết kiệm được nhân lực, các chi phí vật tư và đặc biệt rút ngắn được thời gian khi tiếp cận thực hành ở các mô-đun.

Bước vào thế giới số, giảng viên và HSSV dạy và học đều cảm thấy hứng thú và tự tin thực hiện với phần mềm công nghệ số. Với không gian mở, các ứng dụng phần mềm trên máy tính được thiết kế khá đa dạng các vị trí thực hành và không hạn chế tần suất thực hành đối với người học. Nhờ những ứng dụng phần mềm mô phỏng, người học nắm được tối ưu nội dung các bài giảng hướng dẫn thực hành. Trên nền tảng thiết bị công nghệ, người học có thể thay đổi các thông số,  linh hoạt lựa chọn các bài tập mẫu để vận dụng kỹ năng trên không gian số.

Trong khi đó, nếu thực hành theo cách thức truyền thống thực tế khó có thể thực hiện được. Bởi vì khi thực hành trong thực tế, khi muốn chuyển bài thực hành trên cùng một thiết bị vật tư đều phải thực hiện đo đạc, kiểm tháo rồi mới bắt đầu thực hành được phần mới. Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Chính vì thế, công nghệ thực hành mô phỏng ảo đã giúp người học dễ dàng tiếp cận, rút ngắn được thời gian mà vẫn lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng tối ưu.

“Thực hành mô phỏng ảo giúp SV nắm được kỹ năng sát với thực tế, an toàn mà không tốn kém chi phí” – Giáp Văn Sáng, SV lớp Điện tử công nghiệp 108A.

Em Giáp Văn Sáng – sinh viên nghề điện tử công nghiệp (SN 2003) cho biết: “Thực hành nghề Điện tử công nghiệp trên thiết bị máy tính theo công nghệ mô phỏng, các kỹ năng rất sát với thực tế. Trên hệ thống mô phỏng ảo, sinh viên được thực hành nhiều, có thể làm mọi lúc, mọi nơi mà không tốn chi phí vật tư thực hành. Đặc biệt, thực hiện các kỹ năng nối mạch trên phần mềm mô phỏng, sinh viên thấy tự tin, an toàn vì không sợ bị chập điện, cháy nổ như thực hành trên thiết bị thật”.

Học nghề trên thiết bị 4.0 còn hấp dẫn các bạn sinh viên nữ. Tại lớp Điện tử công nghiệp có tới 16 nữ sinh đang theo học. Sinh viên Đỗ Thị Mai Lan – lớp trưởng và sinh viên Nguyễn Thị Tú Ngân lớp Điện tử công nghiệp 108A là 2/16 sinh viên nữ của lớp chia sẻ: “Lúc đầu em nghĩ con gái không nên học nghề Điện tử công nghiệp, nhưng khi tìm hiểu nhà trường ứng dụng học nghề trên các thiết bị công nghệ 4.0 đã tạo hứng thú và khi trải nghiệm thấy thực sự dễ dàng, dễ ứng dụng trong thực tế. Nền tảng công nghệ đã giúp em luôn cập nhật được kiến thức mới, bắt kịp được xu hướng phát triển của công nghệ theo thời gian. Chúng em tự tin khẳng định sẽ có vị trí việc làm tốt trong tương lai”.

Học nghề với công nghệ 4.0 thuận tiện, dễ dàng nên cả các nghề kỹ thuật như Điện tử công nghiệp cũng dễ dàng giúp nhà trường tuyển sinh được cả sinh viên nữ theo học. 

Ứng dụng công nghệ thực hành mô phỏng còn có những ưu điểm vượt trội mà thực tế chưa đáp ứng được, hoặc có đáp ứng vẫn còn rất hạn chế. Thầy Khuông Văn Đức cho biết: “Công nghệ thực hành mô phỏng giúp người học nắm vững kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào ứng dụng thực tế. Điều này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị, tránh được những rủi ro khi thực hành trên thiết bị thực tế cũng như trong quá trình lao động sản xuất. Đặc biệt, phần mềm sẽ cập nhật thường xuyên các nền tảng công nghệ mới có trong thực tế, từ đó đưa vào giảng dạy, đào tạo mà thực tế không có một doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào có thể đáp ứng được điều đó”.

nghenghiepcuocsong.vn