Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Nghề đầu bếp "lên ngôi", sinh viên năm thứ hai đã kiếm 10 triệu/tháng

"Không gian các nhà bếp thường rất "nóng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi vậy, phải thật sự đam mê thì mới theo được nghề này", sinh viên Trần Đình Hoan chia sẻ.

Tại phòng thực hành của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (236 Hoàng Quốc Việt), các bạn sinh viên được cô Nguyễn Thị Tuyển - Giảng viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn hướng dẫn thực hiện 3 món: Poulet A La Marengo (Gà nấu kiểu Marengo), Goulache De Boeuf (Bò hầm kiểu Mexico) và Consommé De Legumes (súp trong nhân rau). 

Bước đầu tiên, cô Tuyển hướng dẫn học trò cách chọn và sơ chế nguyên liệu cho từng món ăn. Để có một món ăn hấp dẫn thực khách thì ngay từ khâu đầu tiên - chọn nguyên liệu, phải đảm bảo được độ tươi ngon, lượng phù hợp và sự hài hòa.

Cô Tuyển chia sẻ: "So với một số ngành nghề khác, nấu ăn là nghề có môi trường làm việc vất vả, áp lực, nếu không thực sự yêu nghề sẽ rất khó gắn bó lâu dài.

Nếu đã thực sự quyết tâm theo đuổi và có thái độ nghiêm túc với nghề thì sẽ gặt hái được nhiều thành công. Trong quá trình giảng dạy, tôi thường khuyên sinh viên của mình tìm hiểu thật kỹ về nghề.

Nghề nấu ăn có nhiều mảng chuyên môn khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng người học. Ví dụ các bạn nam khỏe mạnh nhanh nhẹn có thể theo chuyên về món ăn châu Á, bếp nóng, bếp tiệc trong khi các bạn nam hoặc nữ khéo léo, nhẹ nhàng, tỉ mỉ có thể theo bếp lạnh, bếp bánh, cắt tỉa trang trí…

Dựa trên năng lực, sở thích và điều kiện sức khỏe của bản thân để tìm cho mình một vị trí việc làm phù hợp. Sau đó, các em hãy đầu tư học tập chuyên sâu để trở nên thành thạo, chuyên nghiệp hơn ở mảng đó, các em sẽ dễ đạt được thành công hơn".

Tại trường nghề, các bạn sinh viên được đào tạo quy trình nghiệp vụ cơ bản: Chuẩn bị chế biến, vệ sinh khu vực chế biến, quy trình chế biến các loại nước dùng, món ăn chế biến từ thịt, rau, hải sản; các món ăn Âu, Á, bánh… Đồng thời, học cách làm các món khai vị, món chính, các loại nước sốt, món súp với nguyên liệu từ cơ bản đến cao cấp.

Sau khi đã nắm vững kiến thức lý thuyết, sinh viên nghề sẽ được bắt tay thực hiện công việc giống như một đầu bếp thực thụ.

Bàn tay thoăn thoắt cắt gọt củ, quả, thái nguyên liệu, tẩm ướp gia vị rồi tiến hành hầm nấu, sau đó tạo hình trang trí món ăn. Mỗi một công đoạn các em đều có thể làm chủ "cuộc chơi" với dao, chảo bếp, lửa nóng…

Trần Đình Hoan (sinh viên lớp C18D5, ngành Kỹ thuật chế biến món ăn) chia sẻ: "Nghề bếp không phân biệt dành cho nam hay nữ, mà nó xuất phát từ niềm đam mê của mỗi người. Không gian các nhà bếp thường rất "nóng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi vậy, phải thật sự đam mê thì mới theo được nghề này".

"Khi được nấu ăn và mang đến những món ăn ngon cho mọi người, mình cảm thấy rất hạnh phúc.

Hơn thế nữa, nghề này cũng rất tiềm năng và đem lại nguồn thu nhập khá tốt. Hiện tại, ngoài thời gian học ở trường mình có đi làm thêm ở một nhà hàng chuyên món ăn châu Á và có mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/ tháng. Mình nghĩ số tiền này khá ổn định với sinh viên năm thứ hai như mình", em nói thêm.

Với nghề kỹ thuật chế biến món ăn, sau tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại bộ phận bếp trong các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở chế biến kinh doanh ăn uống thuộc mọi thành phần kinh tế. Các chức danh nghề nghiệp: nhân viên bếp chính, trưởng ca, trưởng nhóm, có cơ hội trở thành bếp trưởng, cán bộ quản lý... tùy theo khả năng cá nhân và yêu cầu của công việc cụ thể.

Đồng thời cũng có khả năng tạo lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực được đào tạo.

Theo thống kê, khoảng 86% sinh viên theo học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội ra trường làm đúng lĩnh vực, với mức lương trên 8 triệu đồng/tháng". Mức thu nhập tăng tỷ lệ thuận với khả năng và kinh nghiệm của người làm việc.

Với nhu cầu và sự phát triển thực tế của lĩnh vực dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, các vị trí công việc của nghề Kỹ thuật chế biến món ăn ngày càng rộng mở.

dantri.com.vn