Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Chìa khóa đưa Việt Nam tới thịnh vượng
Tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững là hai trụ cột để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng. Trong cả hai trụ cột này, yếu tố con người vừa là mục tiêu vừa là động lực, đòn bẩy cho phát triển. “Nhiệm vụ của chúng ta là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để sớm hoàn thành mục tiêu trên” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định.

Vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển

- Thưa Bộ trưởng, để xây dựng Việt Nam thịnh vượng, nguồn nhân lực có kỹ năng đóng vai trò như thế nào?

- Thách thức lớn nhất Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Có như vậy mới tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững.

Năng suất lao động lại phụ thuộc vào khả năng của một quốc gia trong việc sáng tạo và sử dụng công nghệ mới. Mà để sử dụng và sáng tạo công nghệ mới, cần có lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ cao.

Ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động thường có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực. Càng nhiều lao động có kỹ năng thì hiệu quả càng cao, doanh nghiệp dễ giới thiệu và áp dụng các công nghệ tăng cao năng suất lao động và có cách làm mới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu các quốc gia tập trung phát triển kỹ năng của người lao động, lấy con người làm trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên tới 2%.

“Việt Nam đã chứng tỏ kỹ năng nghề đỉnh cao tại các đấu trường khu vực và thế giới. Cuối tháng 8 vừa qua, tại Kỳ thi Tay nghề thế giới ở Kazan (Nga), chúng ta xếp thứ 22/63 nước dự thi về tổng số huy chương và chứng chỉ kỹ năng xuất sắc và điểm bình quân có thành tích. So với khu vực, thí sinh của ta xếp sau Singapore, Indonesia nhưng trên Thái Lan, Malaysia và Philipines... Đây là thành tích tốt nhất của chúng ta qua 7 lần tham dự kỳ thi”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian qua để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực như Bộ trưởng vừa phân tích?

- Lĩnh vực GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Từ chỗ tỷ lệ tuyển sinh chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch, thì 2 năm gần đây đã vượt kế hoạch. Đáng mừng là phổ điểm thí sinh vào cao đẳng và số học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tăng cao hơn. Việc chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm và kiểm soát chất lượng được quan tâm. Do đó, hiện có 2 chương trình được nhận chứng chỉ kiểm định ABET uy tín của Mỹ; 25 trường được công nhận đủ điều kiện triển khai đào tạo một số nghề theo chuẩn của Australia và 45 trường đào tạo một số nghề theo tiêu chuẩn của Đức... Việc gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng… đã tạo việc làm cho trên 80% sinh viên trường nghề sau khi tốt nghiệp với thu nhập tốt. Ở nhiều trường, nhiều nghề, con số này lên tới 100%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng còn rất nhiều thách thức. Chỉ tiêu tuyển sinh học nghề 2,2 triệu người/năm là thấp so với tiềm năng và nhu cầu của quốc gia 97 triệu dân, 55,4 triệu lao động; cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp. Nhiều địa phương vẫn đặt mục tiêu trên 90% học sinh THCS lên THPT; THPT vào ĐH là không đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phân luồng học sinh. Mạng lưới GDNN còn dàn trải và chồng chéo, việc sắp xếp lại ở một số nơi mang tính hành chính, cơ học. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở GDNN thấp nên không thu hút được người học, gây lãng phí trong đầu tư. Chúng ta cũng thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào GDNN.

Kỹ năng số - nhân tố của thành công

- Bộ trưởng có kỳ vọng những hạn chế nêu trên sẽ tìm được giải pháp tháo gỡ qua Hội thảo Giáo dục  - VEC 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20.9 tới?

- VEC 2019 với chủ đề “Phát triển GDNN trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” là cơ hội để các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia chia sẻ thông tin, thảo luận giải pháp phát triển GDNN trong bối cảnh mới. Tham dự hội thảo còn có đại diện nhiều tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong phát triển GDNN. Chúng tôi kỳ vọng các đại biểu sẽ đánh giá khách quan thực trạng GDNN của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm hay, đưa ra các dự báo về kỹ năng, xu hướng tuyển dụng và việc làm; khuyến nghị chính sách phát triển GDNN cho Quốc hội, Chính phủ, cũng như tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

- Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và thách thức trong đào tạo nhân lực. Theo Bộ trưởng, cần làm gì để GDNN bắt nhập xu thế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp?

- Chúng ta cần xác định nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để tạo ra năng suất lao động vượt trội. Trong đó, nâng cao chất lượng GDNN là nhân tố quyết định đến lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp; thu hút sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp đột phá. Do đó, tới đây cần tập trung làm tốt công tác dự báo; xác định kỹ năng cần thiết, nhất là các kỹ năng tương lai do thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất. Dùng công nghệ để kết nối cung - cầu lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN để tăng quy mô tuyển sinh, bảo đảm số lượng, cơ cấu nhân lực cho phát triển đất nước. Đổi mới đánh giá, thống kê lao động theo kỹ năng, từ đó đưa ra dự báo và lộ trình thu hẹp khoảng cách kỹ năng với lao động các nước.

Bên cạnh các kỹ năng nghề nghiệp cốt lõi, cần quan tâm các kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Trong đó, kỹ năng số là nhân tố để Việt Nam chuyển đổi số thành công; nhờ đó có thể tăng năng suất lao động vượt trội, thoát được bẫy thu nhập trung bình. Đây cũng là 1 trong 3 nội dung quan trọng trong tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng các nước G20 khi bàn về kinh tế số. Theo đó, phát triển kỹ năng số trong GDNN là chìa khóa để phát triển kinh tế số và để không ai bị bỏ lại phía sau.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

                                                                                                                                                                                                                                                    Thái Bình thực hiện