Tin bài nổi bật - Tuyển sinh

Tin bài nổi bật

Cảm hứng sáng tạo mới từ nghề nấu ăn

Trong khuôn khổ Tuần lễ Kỹ năng nghề Australia tại Việt Nam, anh Critopher Matowski - cựu sinh viên nghề nấu ăn của Australia, người vừa giành Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi Tay nghề thế giới 2019, đã có màn trình diễn ấn tượng cùng những chia sẻ thú vị về nghề nấu ăn với đông đảo sinh viên Việt Nam.

 

Kỹ năng xuất sắc nhất thế giới

Màn trình diễn của Critopher Matowski là chế biến món bò bít tết với nguyên liệu chủ đạo là phần thăn “chuột” của bò, được làm chín bằng phương pháp nấu chậm, sau đó áp chảo, sốt rượu brandy, ăn kèm với cà rốt xay nhuyễn và khoai tây nướng với kem tươi.

Đặt miếng thăn bò tươi có hình tròn thuôn dài vào chảo nóng, lăn đều nhẹ nhàng, vừa trình diễn vừa chia sẻ, Cris cho biết: Kỹ thuật chế biến phi - lê bò đòi hỏi người nấu phải kiểm soát tốt được nhiệt độ và thời gian…

Với món bít tết, người ta thường cố gắng làm cho miếng thịt có độ tái vừa phải, để có độ mềm và ngọt nhất. Nếu giữ nhiệt độ không tốt, miếng thịt sẽ không đủ độ tái hoặc bị cháy bề mặt khi nhiệt độ quá cao.

Trong khi chờ đợi thịt bò chín tới độ cần thiết, Cris chuẩn bị các loại rau, củ ăn kèm. Một loại nguyên liệu quan trọng nhưng rất phổ biến ở các quốc gia là cà rốt, trong món ăn này cà rốt được xay nhuyễn và sử dụng cùng với kem sẽ rất hợp với bò bít tết, nó cũng tạo màu sắc hấp dẫn cho món ăn.

Màn trình diễn đầy cảm hứng của Critopher Matowski tại Trường CĐ Du lịch Hà Nội

Khi trình bày, cần phải bảo đảm những nguyên liệu nào có trong món ăn đều phải được trình bày rõ ràng nhất. Trong món ăn này có cà rốt xay nhuyễn, như một cách để thể hiện sự nổi bật, bắt mắt là dùng bơm kem để tạo ra những hình tròn thẳng hàng, to dần đều. Khoai tây và kem được xếp lớp và cắt hình chữ nhật…

Sau khi khoanh bò phi lê được làm chín đều quanh bề mặt, Cris cho rượu brandy vào đốt, ngọn lửa bùng lên trong tiếng reo hò đầy phấn khích...

Cris giải thích, việc đốt lửa bằng rượu brandy để bảo đảm không có bất cứ một dư vị nào khác, và làm cho miếng bò phi lê có được mùi vị hoàn hảo nhất.

Miếng bò bít tết đã chín tới, Cris cắt nó ra 4 phần bằng nhau, đặt vào các đĩa đã được trình bày sẵn các loại rau ăn kèm, một chút nước sốt được tưới lên một cách điệu đà.

Màn trình diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng của hàng trăm sinh viên. Họ vừa được chứng kiến một trong những kỹ năng nghề xuất sắc nhất thế giới.

Chuẩn bị phần rau ăn kèm và trang trí mỹ thuật.

Triết lý âm dương của món ăn

Nói về ẩm thực Việt Nam, Cris chia sẻ, anh đã có cơ hội được thử những món ăn tại Hà Nội, anh rất ấn tượng về món chè nếp cẩm và cà phê trứng… Ẩm thực của Việt Nam rất thú vị, nhiều rau và luôn tươi mới, các đầu bếp thường chế biến thức ăn theo mùa.

Cris cho rằng, cái hay nhất là các đầu bếp đã không bỏ phí bất cứ thứ gì của nguyên liệu. Đây là một ấn tượng, bởi điều này không chỉ là lợi ích kinh tế của nhà hàng mà còn là sự sáng tạo của người chế biến.

Phát hiện đặc biệt nhất của Cris là triết lý âm dương hòa hợp trong món ăn của Việt Nam. Triết lý này cũng đã được đưa vào món bò bít tết mà anh vừa hoàn thành. Theo Cris, gia vị được sử dụng rất nhiều trong các món ăn Việt Nam, ngoài tác dụng kích thích dịch vị, làm dậy mùi thơm ngon, thì tác dụng đặc biệt là điều hòa âm dương của thức ăn.

Món ăn được chế biến bằng cách kết hợp các nguyên liệu với nhau một cách hài hòa tự nhiên, theo âm dương trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ, gừng có tính nhiệt dương thường dùng kèm với những thực phẩm có tính âm hơn như bắp cải, cá… Ớt cũng thuộc loại nhiệt dương nên hay được dùng trong các loại thức ăn thủy hải sản, âm hơn, để tạo ra sự hòa hợp trong tổng thể của một món ăn…

Với những phát hiện của mình về ẩm thực Việt Nam, Cris cho rằng, đây là những bài học kinh nghiệm quý giá về văn hóa ẩm thực Á Đông, những điều này hoàn toàn có thể giúp anh tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình với nghề nấu ăn.

 Thưởng thức món bít tết do Critopher Matowski chế biến.

Phát triển nhân lực chất lượng cao

Theo số liệu thống kê của Australia, số lượng bếp trưởng trên thế giới đã tăng mạnh trong các năm qua, từ 100.800 người năm 2018 lên 117.500 người theo dự kiến vào năm 2023. Trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 81.000 cơ hội việc làm, tương ứng với 16.200 việc làm mỗi năm trong lĩnh vực du lịch – khách sạn ở Australia.

Tại Việt Nam, với sự tăng trưởng nhanh của ngành dịch vụ, du lịch, mức thu nhập của đầu bếp được dự đoán sẽ tăng cao. Theo khảo sát, mức lương vị trí việc làm bếp thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng và cao nhất 90 triệu đồng/tháng. Mức lương này sẽ biến động tùy theo nhiều yếu tố như: Quy mô nhà hàng, hạng sao khách sạn, địa điểm…

Nhân lực ngành Du lịch – Khách sạn, nước ta đang có khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó có khoảng 20% mới được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy. Mức tăng trưởng du lịch hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm khoảng 25.000 lao động mới. Tuy nhiên, quy mô đào tạo trong lĩnh vực này hiện nay được cho là vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trong nền kinh tế Việt Nam, ngành Du lịch – Khách sạn, bao gồm lĩnh vực nhà hàng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nhiều nhân lực.

Trong vòng từ 5 – 10 năm tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao trong ngành Khách sạn – Du lịch. Đây được xem là những cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp khá rõ ràng cho giới trẻ hiện nay.

Critopher Matowski được đào tạo từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập Ryde tại bang New South Wales, anh đã giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Tay nghề quốc gia Worldskils Australia, Huy chương Bạc Cuộc thi Kỹ năng toàn cầu tại Melbourne năm 2018 và Chứng chỉ nghề xuất sắc Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019 tại Liên bang Nga. Trong Tuần lễ Kỹ năng nghề Australia tại Việt Nam, anh là một đại sứ nghề nghiệp đã chia sẻ niềm cảm hứng, đam mê và kinh nghiệm phát triển kỹ năng nghề cho các bạn trẻ Việt Nam. 

                                                                                                                                                                            Anh Quang/ Báo Giáo dục và Thời đại